Đại Chúng số 107 - ngày 1 tháng 10 năm 2002

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Phạn Văn Thái, Arlington VA. Cháu ở gần nhà của một người bạn gái trẻ và đẹp, nhỏ hơn cháu ba tuổi. Chúng cháu đã yêu nhau tha thiết. Nhà người bạn gái này kém hơn với gia đình cháu. Cha mẹ nàng thường hàng ngày ra chợ buôn bán. Cháu muốn cùng nàng thành hôn để chính thức sống với nhau trọn đời. Đối với bên nhà nàng thì mọi việc đều suông sẻ. Nhưng, khi cháu mang chuyện này thưa với cha mẹ cháu thì cha mẹ cháu bảo là: "Nhà họ không xứng với nhà mình, có nghĩa là không môn đăng hộ đối”. Cháu cố năn nỉ song lúc nào cha mẹ cháu cũng giữ vững lập trường như vậy, cuối cùng cháu có nhờ báo trong vùng cho ý kiến.

Theo lời giải thích của người phụ trách báo này về câu "Môn đăng hộ đối” như sau: “Môn đăng hộ đối” là “cửa ngỏ có treo đèn, cửa sổ có dán câu đối,” có nghĩa chỉ nhà quan quyền, có nhà cao cửa rộng như nhà giàu. Nhà cô gái là nhà nghèo nên bị cha mẹ cháu cho là "không xứng". Chuyện này ngày xưa gây rắc rối cho nhiều gia đình, làm tan vỡ nhiều cuộc tình. Nhưng ngày nay thì đôi bên lấy nhau, vợ chồng ra ở riêng, cùng đi làm, đâu có thừa hưởng gia tài của cha mẹ. Cháu nên đề nghị với cha mẹ nên suy nghĩ lại... Đó là lời của bà Thuận Thảo giải đáp cho cháu.

Hôm nay cháu muốn được có thêm ý kiến của bà cụ. Mong được sự chỉ giáo. (Qua văn phòng chủ nhiệm báo ĐC)

* Theo Từ Điển Hán Việt của Nguyễn Văn Khôn thì ghi là: "MÔN ĐƯƠNG HỘ ĐỐI” có nghĩa “Nhà cửa hai bên thông gia xứng nhau". "Môn đương” đây có nghĩa nhà cửa thích hợp. Chứ không phải là "Môn Đăng” có nghĩa “cửa có treo đèn”. Theo Việt Hán Từ Điển của một tác giả khác nữa cũng viết nguyên câu “Môn đương hộ đối”. Đồng thời trong Việt Nam Tự Điển của Lê Văn Đức cùng một nhóm văn học soạn thảo, do Lê Ngọc Trụ hiệu đính cũng ghi là “Đương” trong “Môn đương”có nghĩa “hợp”, ”thích hợp”..., còn “Hộ” ở đây là nhà ở. Cửa có một cánh. (Hán Việt Tự Điển của Nguyễn Văn Khôn). Nhưng viết gắn liền hai chữ “Hộ Đối” thì có nghĩa nhà cửa đối với nhau cân xứng, chứ không phải “đối” là câu đối. (Chữ đối này cũng thấy xuất hiện ở chữ “đối xứng” có nghĩa trục đối xứng, điểm đối xứng ở tâm.Và cũng có cả câu gồm bốn chữ như:”Trung Tâm Đối Xử” tức đối xứng trung tâm... Từ xưa nay chúng ta thường nói là “MÔN ĐĂNG HỘ ĐỐI”lâu dần thành quen miệng, Thực ra trong chữ (Hán) thì là "MÔN ĐƯƠNG HỘ ĐỐI”. Vậy thì nghĩa chung của câu này là "Cửa Nhà Cân Xứng" với nhau, bên quyền quí thì bên giàu sang chẳng bên nào thua sút bên nào. Có thể kết sui gia nhau được. Bên nhà gái là con nhà quan cao tước lớn, bên nhà trai cũng tự hào là ruộng cò bay thẳng cánh...vàng bạc đầy rương hòm...

Như vậy bên nào cũng có cái vinh dự riêng của mình, cân xứng với nhau.

Tục ngữ Trung Hoa cũng có câu:

“HOA ĐỐI HOA, LIỄU ĐỐI LIỄU, PHÁ BẢN KI TƯƠNG ĐỐI HOẠI THIỀU TRỬU.” Có nghĩa:

Hoa đối hoa, liễu đối liễu, sọt thủng đối chổi cùn.

Ta cũng có câu thật chí lý phải suy nghĩ kỹ chúng ta sẽ thấy cái thâm sâu của người xưa:

“Thuyền đua thì lái cũng đua

Con cóc nó nhảy, con cua nó bò."

Lời giải bày của bà Thuận Thảo rất đúng.Ông có thể nên thưa lại rõ ràng với mẹ cha, trai gái ở đất nước Hoa Kỳ lấy nhau đều ra riêng, cùng nhau làm ăn, đâu có trông mong vào sự nuôi nấng của cha mẹ nữa. Tại đất nước văn minh này không còn chuyện phải "Môn Đương Hộ Đối”, miễn sao đôi bên trai gái yêu thương nhau, tìm hiểu được nhau, thề nguyện cùng nhau sống trọn cuộc đời... Hạnh phúc là ở chỗ đó! Tôi nghĩ chắc chắn song thân ông sẽ chẳng cản trở nữa. Tục ngữ Trung Hoa có câu:

"Hảo nam bất ngật phân gia phạn

Hảo nữ bất trước giá thời y".

Có nghĩa:

“Trai giỏi không ăn hại cơm nhà,

Gái giỏi không mặc áo buổi cưới."

Ta cũng có câu:

Nên ra tay kiếm tay cờ

Không nên thì chẳng cần nhờ tay ai.

Cũng có câu nữa:

“Hảo tử bất luận gia điền địa

Hảo nữ bất luận giá trang thời." Có nghĩa:

“Trai ngoan không đoái vườn ruộng cha

Gái ngoan không so kè nữ trang buổi cưới."

Nếu nghĩ được như vậy thì...chúng ta đã hội nhập được với xã hội văn minh này. Tuy nhiên, với phong tục tập quán của nước ta thì tưởng ông nên thưa trình xin cha mẹ xét lại câu chuyện "Môn Đương Hộ Đối” là không còn hợp thời đối với ngày nay nữa. Và tưởng ông cũng nên cho cha mẹ biết ý chí mình muốn tự lập nhiều hơn là vĩnh viễn phải bám vào cha mẹ. Tôi nghĩ ông sẽ thành công. Tôi đã quá cái "cổ lai hi" nhiều rồi và nhận thấy người lớn tuổi cởi mở là điều đúng, nếu tôi không lầm chắc hai ông bà cụ cũng sẽ mở lượng hải hà đối với cuộc hôn nhân của ông và sẽ chấp nhận lời ông thỉnh cầu. Quí mến chào ông.

Bà Võ Xuân Hà Romain Rolland Ave. St. Dennis (France) (Qua Inesto Hồ):

Tôi còn nhớ mấy câu tục ngữ Trung Hoa như sau, và một câu trong Kinh Thánh (Xin cụ biết cho tôi không phải là con chiên song trước kia ở Việt Nam tôi lại được theo học trường Dòng) có một câu mà tôi quên khuấy mất. Nhờ bà cụ nhắc nhở hộ. Xin vô cùng cảm ơn.

1. Tảo tảo quan môn tảo tảo thụy.

2. Tâm tự bình nguyên tẩu mã, dị phóng nan thu.

3. Lạy Chúa thương xót chúng con, Chúa Giê Su thương xót chúng con. (Cụ nhắc cho bằng câu chính trong Kinh sách).

* Câu thứ 1, có thể bà chị thiếu mất một câu. Nó như thế này:

"Tảo tảo quan môn tảo tảo thụy

Miễn đắc nhân gia thuyết thị phi" Có nghĩa:

"Sớm sớm cài then nằm ngủ tít

Khỏi bị bao người nói nọ kia." Hay có câu:

- Bưng tai, gài trốc

Mũ ni che tai, sự ai chả biết.

Câu thứ 2: "Tâm tự bình nguyên tẩu mã, dị phóng nan thu". Có nghĩa:

"Lòng như ngựa phóng bình nguyên. Dễ thả đó mà khó lòng níu lại."

Câu thứ 3: "Lạy Chúa thương xót chúng con, Chúa Giêsu thương xót chúng con". Tại Paris có thể bà chị đến nhờ các linh mục nhắc nhủ hộ, vì tôi cũng may mắn như bà chị học tại trường Dòng ở Huế, có đọc thường ngày khi còn ngồi ở ghế nhà trường, nhưng sau đó lại chẳng bao giờ đọc lại cả. Có thể là quên. Tuy nhiên tôi mường tượng như thế này, bà chị mang hỏi lại các vị Linh Mục xem để nhờ sữa lại. Câu đó như sau:

“O God wees hom Genadig, Here Jesus wees my genadig...” chẳng biết có đúng chăng. Kính chào bà chị.

Cư sĩ Tịnh Hải Garden Grove CA. Thưa bà cụ, sau hôm được hầu chuyện cùng bà cụ, chúng tôi vô cùng cảm kích. Hôm ấy được bà cụ giải thích được nhiều chuyện, song còn một vấn đề còn sót lại quên mang ra để nhờ bà cụ giải hộ. Tôi có đọc Thiền, tuy nhiên vẫn còn mờ ớ về chữ THIỀN. Vậy Thiền của Trung Hoa xuất hiện từ bao giờ? Còn mấy danh từ THIỀN bà cụ có biết không ? Xin chỉ giáo.

* Cám ơn cư sĩ. Thiền xuất hiện tại Trung Hoa từ đời nhà Đường. Thiền ở Trung Hoa là sản phẩm từ Ấn Độ bí ẩn. Người Trung Hoa rất yêu chuộng. Từ Thiền theo ngôn ngữ bình dân Pali gọi là "Jhana". Còn tiếng Sanskrit thì là "Dhyãna", Nhật Bản dịch là "Zena"...v.v...Ngoài ra người ta còn dịch danh từ Thiền là "định” tức samadhu, có nghĩa cái tâm không bao giờ xao động, luôn luôn chuyên chú....không để bị vọng động v.v. Trân trọng kính chào cư sĩ.

INESTA HO Rue Dr. Schweitzer 93600 Aulnay France: Có bà bạn thân hỏi cách thức nấu "Bún Riêu Cua", bà cụ biết xin chỉ giáo. Cám ơn.

* Tôi không giỏi lắm về việc làm bếp. Tuy nhiên, có thể mách hộ bà nơi có đủ mọi cách nấu nướng với hàng trăm món ăn thuần túy Việt Nam. Bà mổ trang Web (Internet) FPT SAIGON có đầy đủ các món và cách thức nấu nướng một cách rõ ràng. Trang này mở hàng ngày, nhiều báo ở đây đều trích từ đó đăng tải ra. Tuy nhiên tôi có thể nói đại khái về cách nấu bún riêu hầu bà. (Bài cách nấu này tôi cũng chép ra từ trang Web ấy:)

VẬT LIỆU: 300 gr cua đồng. Nử lít nước. 12o gr. cà chua chín.

CÁCH LÀM: Cua làm sạch, bóc vỏ yếm, gở mai, nạo lấy gạch trong mai để riêng, giã thật nát hoặc xay thật nuễn cua, bỏ mai. Nếu lấy mai nước sẽ đen. Hòa cua xay với nước, để thật lắng, gạn lấy nước cua, bỏ xác. Cà chua cắt dọc làm 8, phi thêm ít dầu, thêm vào chút muối, tiêu, ít bột ngọt tùy khẩu vị. Xào chín mềm cà. Hòa tan ít me vắt với nước lọc để riêng. Bắc nồi cua lên bếp cho cà xào vào. Nấu nhỏ lửa, khi thấy nước vừa chớm sôi, hạ lửa xuống ngay, để nước chỉ sôi váng hơi, riêu sẽ kết lại từ từ và nổi lên. Nếu để sôi bùng, riêu không kết lại được. Khi thấy kết riêu dày và nước trở trong, tùy khẩu vị nêm vào ít mắm tôm, nước me, muối cho nước riêu đâm đà, hơi có vị chua nhẹ. Xào ít dầu với hạt điều màu, vớt bỏ hạt điều, cho vào ít hành băm, cho phần gạch cua vào xào chín, nêm chút tiêu muối, trút phần gạch vào nồi riêu. Giữ nóng trên bếp với lửa nhỏ. Chia bún ra tô, múc riêu nóng vào rắc thêm hành ngò, hàng tây xắt nhỏ, Dọn kèm rau muốn chẻ, , bắp cuối, giá, quế, ngò gai, kinh giới...Mắm tôm nguyên chất, nước mắm, chanh ớt tươi cắt lát. Những thực phẩm phụ kèm theo bún riêu là: đậu hủ miếng chiên, cắt miếng nhỏ, nước heo luộc, hoặc ốc bươu lấy nạc làm sạch, tẩm ướp muối tiêu, hành ta, xào chín (Tôm khô thường thêm cho ngọt nước riêu, trứng gà đánh vào...Gọi đó là tô riêu trứng. Bà thử đi, ngon lắm. Còn các thức khác có dịp tôi sẽ cùng bà trao đổi nhau kinh nghiệm.

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002