Đại Chúng số 106 ngày 16/9/2002

NHỮNG LOÀI HOA DẠI

Thinh Quang

(tiếp theo)

Nói đến đây vẻ mặt Trương lộ vẻ buồn, nhưng Lệ Hằng không lưu ý đến điều này, nàng lại đảo mắt nhìn quanh biểu lộ sự ưa thích của mình đối với ngôi nhà mà nàng đã từng sống tại đây.

- Ông Trương à! Thật ra tôi thích ngôi nhà nơi trang trại này hơn là khu vườn mà chúng tôi đang sống hiện tại... Chẳng lẽ cả gia đình dời đi tôi ở lại một mình sao? Kể từ ngày đó tôi thường xuyên đến trang trại, như đêm hôm nay chẳng hạn, đứng bên ngoài nhìn hay vào tận bên trong ngồi hàng giờ như thế này! Ông Trương không nên ngạc nhiên về sự đi lại bất thường của tôi như thế này!

- Không! Không! Tôi không bao giờ ngạc nhiên về điều này. Theo địa vị tôi cũng vậy, khi rời nơi mình ưa thích để đến nơi khác thì thế nào cũng lưu luyến. Tôi mong được luôn luôn đón tiếp cô Hằng bất cứ giờ giấc nào!

Trương cảm thấy lòng mình nao nao lên. Tim chàng đập mạnh. Vì sao? Chính chàng cũng không biết. Chàng thầm nhủ trong lòng về cô bé đang ngồi đối diện với mình khác hẳn với Cúc Hoa- người vợ chàng ngày nào. Cúc Hoa thực tế, nhưng lảng mạn, còn Lệ Hằng yêu thích nghệ thuật trông có vẻ u buồn trầm lặng... Điều này, Trương đã nhận xét được qua hai cuộc tiếp xúc với nàng.

- Cô Lệ Hằng à! Tôi đến đây ở có làm cô... phải buồn không?

Hằng giương tròn mắt ngạc nhiên:

- Ông Trương! Ông hiểu lầm tôi rồi!

Trương vội cải chính:

- Không phải là tôi hiểu lầm về hành động của cô, mà đó là lời thành thật của tôi muốn biết sự hiện diện của tôi nơi đây có làm trở ngại gì cô hay không?

- Không! Trái lại tôi còn thích nữa. Tôi sẽ đến đây thường xuyên hơn để được ngồi đàm đạo cùng ông trên mọi vấn đề... Nếu không có ông ở trong trang trại này...

Nói đến đây nàng bỗng im bặt lại... mãi giây lâu sau nàng mới nói tiếp:

- Tôi nghĩ rằng trước khi ông nhận lời ba tôi đến đây vì đã hiểu rõ về trang trại này... Có phải thế không ông Trương?

Trương chỉ nhìn Hằng và không đáp lại câu nàng vừa hỏi. Chưa kịp đáp lại thì nàng đã đưa tay chỉ về phía sau khu vườn:

- Ông Trương đã ra tận phía sau khu trang trại này chưa?

Từ ngày dọn đến đây, Trương chưa có dịp đến khu vườn Hằng vừa hỏi.

- Rất tiếc vì mới dọn đến nên chưa có thì giờ...

- Nếu có dịp ông cũng nên đi quan sát cho vui. Biết đâu nơi ấy sẽ giúp cho ông nhiều đề tài để viết!

- Vâng. Tôi sẽ đến để chiêm ngưởng nơi cô vừa bảo.

- Nơi ấy có cả khu vườn bạch quả... Trái nó có tác dụng bổ dưỡng trí nhớ... mà ba me tôi thường cho tôi ăn hàng ngày...

- Thế thì trí nhớ của cô... tốt lắm!

Hằng lắc đầu:

- Ông nghĩ sai rồi. Tôi càng ăn bạch quả càng lú lẩn thêm ra...

Nàng bỗng rẽ sang nơi góc phải đưa tay chỉ:

- Ông có thấy mô đất cao kia không?

- Vâng. Nhưng đó là...

- Ngôi cổ mộ!

Trương ngạc nhiên hỏi:

- Ngôi cổ mộ?

Hằng gật đầu:

- Đúng vậy. Ngôi mộ nằm chiếm gần một nửa sườn đồi... Theo ba tôi thì có thể đã hiện diện từ nhiều thế kỷ trước...

- Cô có bao giờ đến đó chưa?

- Thường lắm... Tất nhiên là ngôi cổ mộ này không giống như của thời Ai Cập Cổ đại của các Vương triều hùng mạnh, đứng đầu có các Pharaon trên lưu vực sông Nil mà chỉ là một nấm đất khổng lồ nhô cao lên hàng chục thước có một chu vi trải rộng gần phân nửa ngọn đồi nằm xế bên khu vườn bạch quả này...

Trương cười:

- Nghe cô nói tôi có cảm tưởng như lời lẽ của một cây bút già dặn... vậy.

- Ông quá lời. Tôi đâu dám nhận. Ông Trương à! Ông nên quá bước đến chiêm ngưỡng...

Nói đến đây Lệ Hằng im lặng đưa mắt nhìn lên vòm trời... như đang suy nghĩ điều gì...

- Ngày ấy thế nào hả cô Hằng?- Trương cất tiếng hỏi.

- Tôi cũng không nhớ nữa... Theo tôi thì ông Trương nên thử đến để tìm hiểu về những lời đồn đãi của thiên hạ không?

Trương sực nhớ lại câu chuyện có vẻ ma quái mà cô mình thuật lại. Có thể đây là cơ hội để chàng tìm hiểu thêm:

- Họ đồn đãi điều gì thế cô Lệ Hằng?

- Họ bảo là ngôi cổ mộ này có yêu tinh...

Nói đến đây nàng đột nhiên cười lên thành tiếng, đoạn nhìn đăm đăm vào mặt Trương như để dò xét sự phản ứng của chàng:

- Ông Trương có tin không?

- Đây là lần đầu tiên được nghe từ miệng cô, nếu cô tin có thì tôi tin theo... lời cô!

- Đó là sự nhận xét riêng tư của tôi, nhưng tôi muốn biết theo lý đoán của ông thì liệu chuyện ấy có thể tin được chăng?

- Tôi đã đến đó lần nào đâu mà biết được về cảm nghĩ của mình!

- Vậy thì ông nên đến! Biết đâu nó sẽ giúp ông tìm được một đề tài lý thú cho các tác phẩm sau này của ông!

Trương kinh ngạc từ chỗ chàng nhận thấy Hằng như một cô gái còn thơ ngây trong trắng, dẫn đến sự ngưởng mộ trước các lời lẽ đối đáp của nàng.

Lệ Hằng quả có một số kiến thức chẳng kém gì ông Vương.

Lệ Hằng đứng lên bước đến tựa đầu vào song sổ, rồi đột nhiên bước ra khỏi cửa đi về hướng có khu vườn bạch qu?. Trương lặng lẽ bước

theo.

- Ông Trương nè! Ông có đủ can đảm cùng tôi ra thăm ngôi cổ mộ đó không?

Trương cười:

- Nếu cô Hằng không sợ thì tôi đâu đến nổi gì!

- Nơi ngôi cổ mộ này thiên hạ thường bảo là có lắm yêu tinh xuất hiện, nhưng tôi đến đấy bao nhiêu lần chẳng thấy gì là có ma quái cả đáng làm cho mình phải sợ hãi... Họ còn dám bảo là chính mắt họ đã trông thấy một con ma tóc xả hiện lên ngồi than khóc tại nơi ngôi mộ đó.

Rồi nàng ngẩng mặt lên nhìn Trương hỏi:

- Ông Trương à! Ông có thích bóng hoàng hôn không? Tôi rất thích! Nhất là được ngắm cảnh chiều tà lúc vầng thái dương khuất hẳn dưới chân đồi. Những lúc như vậy tôi thường đứng tựa lan can nhìn để tâm hồn mình ngụp lặn trong làn khói lam bao phủ khắp trang trại này... Có phải hình ảnh ấy đẹp như bài thơ Xuân Oán của Kim Xương Tự thời xa xưa đó không! Tôi đọc ông nghe nha!

"Đả khởi hoàng oanh nhi

Mạc giao chi thượng đề

Đề thời kinh thiếp mộng

Bất đắc đáo Liêu Tây."

(Mau mau đuổi cái vàng anh

Đừng cho nó hót trên cành cây cao.

Làm cho tan giấc chiêm bao

Khiến cho thiếp chẳng được vào Liêu Tây.)

(Không rõ tên người dịch)

Ngâm đến đây mặt Lệ Hằng bỗng dưng như xanh mét lại. Hai tay nàng run run và không cần giữ ý tứ gì nữa, nàng nắm chặt lấy tay Trương.

- Ông... Ông Trương...

Trương ngạc nhiên lên tiếng hỏi:

- Cái gì... thế... cô Hằng?

- Ông Trương có thấy... cái gì không?

Trương lắc đầu:

- Chẳng có gì cả... ngoại trừ vầng trăng trên vòm trời kia...

- Không. Tôi muốn hỏi ông có thấy cả màn trời bao phủ màu sắc gì không?

- Ờ! ờ, có! Một màu vàng bàng bạc khắp sơn khê!

- Không phải như vậy. Có thể ông Trương lầm...

Trương lắc đầu:

- Tôi rất tỉnh táo. Chẳng có gì lầm lẫn giờ phút này với tôi.

- Vậy, ông... Trương không nhận ra rồi. Màu... đỏ...- Hằng nói lắp bắp trong miệng như Trương nghe thấy rõ ràng.

- Thì màu đỏ đi nữa, thì đã sao đâu?!

- Không, tôi cũng lầm lẫn rồi, nó không phải là màu đỏ mà đúng hơn chính đó lại là màu trắng... Nó không thể nào xóa được màu ráng hồng bao phủ khắp vòm trời...

- Vâng. Đẹp! Thật đẹp.

- Ông Trương cũng thật nó đẹp lắm sao?

- Chẳng phải chỉ đẹp lắm không thôi mà còn đẹp tuyệt vời... Nhưng vẫn...

Nói đến đây, Trương vờ như quên lửng phần cuối của câu mình vừa phát biểu.

- Nhưng vẫn... cái gì hả ông Trương?

- Vẫn còn thua xa...

- Thua xa? Thua xa cái gì mới được chứ?

- Thua xa Lệ Hằng...

Hằng hình như không chú ý đến lời nói bỡn cợt của Trương, đưa mắt trừng trừng nhìn về phía hàng lan can trước mặt ngôi nhà của trang trại.

- Cô Hằng nhìn gì thế?

Hằng há hốc mồm ra, mắt mở to ra. Mặt mày lúc bấy giờ chẳng khác như người đã chết rồi. Nàng lảo đảo bước đi, một tay víu lấy Trương, một tay đỡ lấy trán mình, hơi thở hổn hển, khiến Trương hoảng hốt:

- Cô Hằng... cô Lệ Hằng... cô làm sao thế?

Lệ Hằng lảo đảo bước đi nàng trả lời trong hơi thở:

- Tôi... thấy... thấy... ôi! ông Trương ơi...

Trương hốt hoảng vội vừa để Hằng tựa vào người mình, vừa dìu Hằng trở về lại lan can, miệng không ngớt lên tiếng hỏi:

- Cô Lệ Hằng... cô làm sao thế này? Cô nói cho tôi...

Đến đây hơi thở của Hằng càng dồn dập hơn lên, toàn thân nàng hoàn toàn không còn đủ sức gượng được nữa, cuối cùng, khiến Trương không còn cách nào hơn nữa phải bế xốc nàng vào bên trong nhà, lớn tiếng gọi:

- Cô ơi! Cô à!

Bé Thu Lan lúc bấy giờ đã chạy lại một bên thủ thỉ:

- Chị Lệ Hằng... chị làm sao thế?- Con bé hỏi lộ vẻ lo lắng.

- Tôi chóng bồ bồ rồi ông Trương ơi! Cả trời đất đảo lộn trước mắt tôi... Ông làm ơn...

Nhưng nói đến đây nàng im bặt lại, trong lúc đó Trương đã đặt nàng nằm dài trên chiếc divan để bên bàn giấy ở văn phòng làm việc của mình.

- Cô cứ nhắm mắt lại... Đừng mở ra làm gì! Nếu cô mở ra sẽ... không thể nào chịu đựng nổi đâu.

Bà cô cùng Vân đứa hầu gái bưng nước và khăn mặt lên trao cho Trương.

- Cô ấy làm sao thế hả, Trương?

- Cô ấy bị chóng mặt...

- Trúng gió rồi... Đặt nằm xuống cô cạo gió cho!

Trương im lặng trước lời đề nghị của cô mình, chàng đưa nước tận miệng Hằng nói:

- Cô hằng, cô hãy uống vài hớp nước vào... Nước có pha gừng đấy, sẽ khỏe ngay!

Bà cô tuy không làm gì cũng loai hoai cầm lấy tay Hằng nắn nót, miệng nói liên hồi:

- Này, cháu nè! Cháu... để cô ấy cho cô, đi vào rót ít rượu mang ra, cho cô ấy dùng là hết ngay hè! Nó còn nhanh xấp bao nhiêu lần hơn nước pha gừng... đó cháu à!

- Thôi... khỏi phải rượu nữa... Tôi sắp... khỏe rồi... Thật làm phiền... ông Trương và bà cô nhiều...

- Tại sao Hằng- lúc bấy giờ có thể trước sự hoảng hốt xảy ra bất ngờ, nên chàng gọi thẳng tên có vẻ thân mật hơn, mà mới mấy phút trước đây chàng vẫn còn cố giữ hoảng cách của lối xưng hô như vậy- lại cho là phiền phức? Tôi có bổn phận phải săn sóc Hằng bất cứ điều gì xảy ra hay bất cứ lúc nào Hằng rủi ro gặp phải.

Nói xong chàng mới sực nhớ là mình đã nói quá phạm vi của mình đối với một cô gái.

Bà cô cũng như Vân cùng nhận xét về câu nói này. Họ chẳng biết là sự thân mật giữa hai người đã đến mức nào? Chẳng lẽ mới quen nhau mà cả hai người đã có tình ý gì với nhau rồi chăng? Họ hết đưa mắt nhìn Hằng lại đến nhìn Trương như để dò xét.

- Hằng nằm nghỉ một tí nhé!

Và, chàng quay lại phía bà cô cùng bé Thu Lan:

- Cô cùng Vân đưa bé Thu Lan vào để cô ấy được yên tĩnh nghỉ ngơi cho lại sức.

- Có nên để cô ấy ngủ qua đêm không?

Trương lưỡng lự lắc đầu:

- Con cũng chưa biết nghĩ sao nữa, nếu cô ấy đở hơn, con sẽ đưa cô ấy về...

- Nhưng nếu không thì sao?

- Thì con sẽ đến thông báo cho ông bà Vương... tiện hơn!

Trương cùng bà cô đưa bé Thu Lan về phòng. Sau khi con bé ngủ yên, chàng quay trở về thư phòng định tiếp tục coi lại tập bản thảo, bắt gặp Hằng đang ngồi đọc tập bản thảo chàng đang soạn giở.

- Kìa! Cô Hằng! Sao không nghỉ cho khỏe lại dậy ngay như vậy?

Hằng mỉm cười, đặt tập bản thảo đang cầm trên tay xuống mỉm cười:

- Tôi chẳng có bệnh hoạn gì đâu, ông... Trương chớ quan tâm cho lắm. Hiện tôi đã khỏe!

- Nhưng mà cũng phải cho thật khỏe mạnh mà cô!

- Bệnh này thường đến với tôi bắt chợt như vậy.

Giọng của Hằng nghe thật thánh thót. Trương cảm thấy lòng mình lâng lên niềm dịu vợi...

- Chứng bệnh bắt chợt như thế phát sinh từ bao giờ thế hở cô?

- Có thể hơn cả năm... ông Trương ạ!

- Bắt nguồn từ căn nguyên nào?

- Sau một cơn bệnh nặng... và tiếp theo đó thì chứng này bắt đầu xuất hiện.

- Và chữa mãi vẫn không dứt được?

- Chẳng phải là không chữa được, dần dần cũng sẽ hết, bác sĩ bảo như vậy.

Trương sực nhớ là trước khi nàng bị xiểu có nói về màu đỏ của lan can, có thể là cô ta bị phản ứng về màu sắc này cũng nên.

- Cô Hằng nè!

- Tôi nhận thấy cô không mấy thích màu đỏ, nếu vậy thì tôi rất có thể mua loại sơn khác như màu xanh lam hay trăng chẳng hạn để sơn lại lan can đỏ đó!

- Ông Trương bảo màu đỏ ở đâu?

- Ở lan can...

Hằng lắc đầu:

- Không cần, ông Trương ạ! Theo ba tôi thì... màu đỏ sẽ giúp tránh cho trẻ con khỏi bị ngã...

Nhưng nói đến đây, Hằng nhìn thẳng vào mặt Trương mỉm cười:

- Tuy không đọc hết tập bản thảo này, song tôi cũng thấu rõ được phần nào về cuộc đời thầm kín của ông? Hình như trong tâm trạng ông đang mang một nỗi u buồn!

(còn nữa)

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002