Đại Chúng số 106 ngày 16/9/2002

HƯ CẤU VÀ PHIM RỒNG XANH

Đặng Trần Huân

Ngày 24. 4. 2002 hai anh em đạo diễn Timothy Linh Bùi và Tony Bùi đã trình diện phim Green Dragon (Rồng Xanh) trong buổi chiếu cho khoảng 100 quan khách Việt, Mỹ tại Westminster, CA. Trong dịp này thành phố Garden Grove và Westminster đã trao bằng tuyên dương cho nhóm thực hiện phim. Phim Green Dragon cũng được đề cử là phim hay nhất tại Sundance Film Festival năm 2001 và được tặêng giải Humanitas 2001 tại Los Angeles.

Ngày hôm sau trong một cuộc họp báo tại nhà hàng Seafood World, cũng ở Westminster hai đạo diễn họ Bùi đã thay phiên nhau trả lời nhiều câu hỏi nhất là những chất vấn về các xen trong phim làm tổn thương danh dự người Việt. Như những xen bạo hành trong trại tỵ nạn, những người phụ nữø Việt Nam hành hung chồng, bất kể chồng Mỹ hay chồng Việt, nhất là chuyện thuộc cấp của một thiếu tướng nhục mạ ông khiến ông xấu hổ phải tự sát, mà thực tế không hề có một vị tướng QLVNCH nào tự sát tại trại tỵ nạn nước ngoài. Người ta chỉ nghe những vụ tuẫn tiết anh dũng của các tướng Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Trần Văn Hai, Lê Nguyên Vỹ v. v. . . Hai đạo diễn trả lời đó là chỉ là hư cấu, và phim phát hành rồi không sửa được (1).

Hẳn là các tác giả Rồng Xanh đã hấp thụ quá nặng nguyên tắc "vô tư của truyền thông" rất phóng túng của Mỹ nên không cần tự chế, chỉ cần làm sao cho phim hay, cho hấp dẫn, kiếm ra tiền mà chẳng cần phân biệt thiện hay ác, phải hay trái. Sẵn sàng tuyên dương nguyên tắc này nên đã có những phim, những báo loan không công những tin, những cảnh ca tụng cộng sản Hà Nội.

Nguyên tắc đó chính người Mỹ cũng đã có những kinh nghiệm chua cay huống chi chúng ta chỉ là những môn sinh say sưa, mới học.

Henry Luce, sáng lập viên tuần báo Time chủ trương mỗi năm chọn một người nổi bật để làm Man of the Year, Người Của Năm. Cũng trong ý hướng làm truyền thông phải vô tư nên người của năm của ông Luce chỉ cần nổi tiếng, bất cần tài năng hay đạo đức. Trong một kỳ kỷ niệm, báo Time đã tổ chức đại tiệc mời tất cả những người được chọn làm người của năm còn sống, nên có thể có cả những kẻ lừa đảo, thiếu đạo đức dự chung tiệc với các vua chúa, nguyên thủ quốc gia, những nhà khoa học có phát minh ích lợi cho nhân loại. (Năm 2002 bữa tiệc kiểu này thu hẹp hơn).

Chuyện điển hình là năm 1938, bộ biên tập báo Time đã chọn lãnh tụ phát xít Adolf Hitler, kẻ đã từng tàn sát hàng mấy triệu người Do Thái và làm thế giới điêu đứng khi ông gây ra thế chiến II. Đối với quần chúng, Hitler là một tội đồ của nhân loại, đáng phỉ nhổ, không thể được đề cao. Nhưng báo Time cho là Hitler là người làm nên lịch sử - dù lịch sử đen - nên đã chọn ông là người của năm.

Năm 1979, Time chọn giáo chủ Ayatullah Khomeini mặc dầu Ba Tư đang đã chiếm tòa đại sứ Hoa Kỳ ở Teheran và bắt giữ làm con tin mấy chục người. Báo Time sau đó nhận được trên 14.000 thư phản đối sự lựa chọn đó và rất nhiều độc giả mua năm đã tẩy chay không đọc báo này nữa (2).

Tuy thế bộ biên tập Time chưa tỉnh ngộ khi toan chọn người của năm 2001 là Osama bin Laden, đầu não của những cuộc không tặc tự sát phá tòa tháp đôi World Trade Center, Nữu Ước và Ngũ Giác Đài làm chết mấy ngàn người vô tội trong đó có những đồng bào của ông Henry Luce. Dựï định này bị nhiều người lên án, nên cuối cùng Time đành phải chọn thị trưởng Nữu Ước Rudolph W. Guiliani thay vì tân tổng thống George W. Bush để tránh dư luận cho là thấy người sang bắt quàng làm họ.

Về chuyện hư cấu trong văn học nghệ thuật thì người Mỹ có lẽ cũng được xếp hàng đầu. Biết bao nhiêu tiểu thuyết về Việt Nam, những phóng sự, những bản tin, những cuốn biên khảo về chiến tranh Việt Nam không hiểu vì vô tình, thiếu hiểu biết hay cố ý đã có những đoạn hạ thấp vai trò của các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Ngay cả cuốn từ điển Dictionary of the Vietnam War của nhà xuất bản từ điển danh tiếng Webster cũng phạm rất nhiều lỗi lầm quan trọng về sựï thành lập QLVNCH và nhiều sự kiện quá rõ ràng trong chiến tranh Việt Nam. Những sự kiện trong biên khảo tưởng như là hư cấu.

Trong lãnh vực điện ảnh, trừ phim We Are Soldiers, đã có biết bao nhiêu phim khác của những đạo điễn và tài tử danh tiếng bóp méo hay xóa bỏ những chiến công của người lính Việt Nam Cộng Hòa.

Phim Regret to Inform do một người làm phim tài tử thực hiện chiếu trên kênh 28 Đài Truyền Hình vùng Los Angeles năm 2000 kể chuyện về những góa phụ của lính Việt Nam thì chỉ thấy phỏng vấn vợ bộ đội, nữ bác sĩ việt cộng và những nữ cán bộ cò mồi của cộng sản Việt Nam mà người làm phim ngờ nghệch tin những lời nói láo khoét là sự thật. Vai trò các góa phụ của chiến sĩ VNCH hoàn toàn bị bỏ qua.

Năm 2000 phim The Patriot về trận chiến tranh dành độc lập 1775 - 1781 của Mỹ ra mắt đã đã gây một làn sóng phẫn nộ tại Anh quốc. Đạo diễn phim The Patriot đã hư cấu nhiều sự kiện không có trong lịch sử, để bôi nhọ người Anh. Những đoạn phim tàn nhẫn đẫm máu gây sự phản đối là vai đại tá người Anh William Tavington (ám chỉ Banestre Tarleton ngoài đời) chỉ huy đội quân Rồng Xanh giết trẻ em, đoạn dồn những người dân kêu khóc vào nhà thờ khóa lại rồâi phóng hỏa. Sử gia Mỹ Scott Withrow nói không hề có dấu vết nào về những sự tàn bạo kia trong năm 1781.

Sử gia Andrew Roberts viết trên tờ Daily Express: "Với hồ sơ của chính người Mõỹ đã từng giết 12 triệu người Da Đỏ và duy trì chế độ nô lệ 4 thập niên sau khi người Anh đã bỏ chế độ này người Mỹ đã muốn đổ những tội ác của họ sang các quốc gia khác"

Một số sử gia và phê bình gia khác cũng có nhận xét là những cảnh tàn ác trong phim là những cảnh phản ảnh hành động man rợ của quốc xã Đức trong thế chiến II đã được đưa vào The Patriot. Họ cũng trách cứ phim ảnh Mỹ đã lờ đi không nhắc gì tới vai trò của Anh và các nước đồng minh trong cuộc đổ bổ Normandy trong phim Saving Private Ryan và trong phim U 571 thì diễn tả lính Mỹ bắt được của Đức một máy truyền tin có chứa dữ kiện quan trọng mà thực ra người Anh đã bắt được máy này từ năm 1941 khi Mỹ chưa tham chiến.

Khi người Anh yêu cầu hãng phim Columbia Pictures xin lỗi, hãng phim lẩn tránh, người phát ngôn của hãng phim cũng né cuộÏc phỏng vấn của hãng AP. Chỉ có tài tử Mel Gibson trả lời gượng gạo rằng: "Đó là phim mà, hư cấu mà" (3).

Trở lại phim Rồng Xanh, phải chăng hai anh em họ Bùi cũng theo theo gương phim The Patriot mà họ nghĩ là "gương sáng" của đạo diễn Mỹ để hư cấu những những xen không đẹp về người Việt, như một người say mượn rượu để nói những lời vô trách nhiệm. Nếu trước kia dư luận người Việt tỵ nạn đã khắt khe với những hư cấu trong tiểu thuyết When Heaven and Earth Changes Places, Trời Và Đất (đã quay thành phim) của tác giả gốc Việt Lệ Lý Hayslip, của hồi ký Nguyễn Thị Ngọc Dung hay video chủ đề Mẹï, Paris by Night 40 của Thúy Nga Paris, sao lại quá dễ dãi, chín bỏ làm mười với những hư cấu trong phim Rồng Xanh. Bởi vì khi một người Mỹ hay người Pháp nói sai về người Việt, người ta có thể nghi ngờ là người ngoại quốc không hiểu rõ về dân tộc Việt, nhưng khi một người Việt bôi đen người Việt thì người ngoại quốc sẽ tin là đúng.

Nói rằng phim thì tha hồ hư cấu cũng được đi nếu là một phim truyện hoàn toàn. Đằng này khi thực hiện Rồng Xanh hai anh em họ Bùi có tham vọng làm một phim lịch sử, phim phóng sự về cuộc tỵ nạn của người Việt trước và sau 30. 4. 75 tại trại Pendleton, CA với những nhân vật là các thành phần tỵ nạn cả quân và dân. (Cũng cần nói thực tế trước 30. 4. 75 trại Pendleton chưa có người tỵ nạn). Người xem phim phải tin đó là sự thật mà người làm phim ghi nhận được. Nếu cuốn phim tồn tại trong kho lâu dài các thế hệ sau được xem để kê cứu sẽ tin đó là sự thực. Thử hỏi hai đạo diễn Bùi đã hư cấu vụ tự sát của một thiếu tướng Việt Nam thì nếu họ làm phim về sinh họat chính trường Mỹ, họ có thể hư cấu chuyện một nguyên thủ quốc gia Hoa Kỳ vào thanh lâu mua vui rồi bị cô nàng làm nhục phải tự tử hay không? Hay là chỉ lợi dụng sự tự do của truyền thông Mỹ để nhục mạ những người đã chiến đấu bảo vệ tự do nay thất trận không có phương tiện đính chính.

Trong lịch sử văn học nghệ thuật thế giới và cả Việt Nam đã có những tác giả có tác phẩm xuất sắc, được hoan nghênh nhưng nội dung phản lại điều thiện, phản lại nguồn gốc, phản đồng bào thì cũng không thể dễ dãi ào ào cổ võ.

oOo

Khi cuốn phim đ?u tiên của Tony Bùi, phim Three Seasons (Ba Mùa) ra mắt, khán giả Việt Nam phấn khởi khuyến khích anh. Nhà văn Hoàng Hải Thủy trong bài Sàigòn Mưa Và Xích Lô, dù có nêu ra những điểm không đồng ý trong Ba Mùa nhưng cũng phê bình rất nhẹ nhàng. Và kỳ vọng ở tương lai điện ảnh của Tony. Ông kết luận bài viết:

Ba Mùa là bộ phim truyện đầu tay của anh; chú nhỏ đi khỏi nước khi mới bốn, năm tuổi, hai mươi năm sau trở về nước làm được một phim như phim Ba Mùa đã là khá lắm rồi, tôi nghĩ chúng ta nên khuyến khích Tony Bùi. Chúng ta nên mong, và chúng ta nghĩ chúng ta có quyền mong, đạo diễn Tony Bùi sẽ làm được những phim hay hơn. Tôi tin anh sẽ làm được.

Khi phim Ba Mùa chiếu rạp tôi không đi xem được. Về sau hỏi thuê video tại một tiệm gần nhà thì được trả lời vì ít người thuê quá nên đã hủy, không còn giữ. Sau tôi đành thuê tại Blockbuster. Xem xong Ba Mùa tôi rất đồng ý với Hoàng Hải Thủy và cũng mong như Hoàng Hải Thủy. Nay phim Rồng Xanh đã ra mắt và tăng thêm một đạo diễn nữa, người anh của Tony là Timothy. Cuốn phim có những tiến bộ nhưng lại quá nhiều vấp váp, những vấp váp mà hai nhà đạo diễn trẻ đổ cho là hư cấu.

Nhà văn Hoàng Hải Thủy kỳ vọng vào cuốn phim thứ nhì của họ Bùi, không hiểu ông đã coi Rồng Xanh chưa? Nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh xem phim Rồng Xanh, khen phim này có rất nhiều ưu điểm về dàn dựng, nghệ thuật cũng như nội dung mặc dầu một vài hư cấu không nên có. Tôi đồng ý với ông nên tôi kỳ vọng sự thành công của cuốn phim thứ ba. Mong rằng cuốn phim tương lai của Timothy và Tony sẽ đạt đư?c trình độ nghệ thuật cao hơn nữa và tránh được những lỗi lầm thiếu ý thức làm buồn lòng những đồng bào của hai anh, những người ra đi tỵ nạn nhưng vẫn còn yêu thương, quý trọng và hãnh diện về nguồn gốc Việt Nam. Đặng Trần Huân

(1) Tuần báo Sài Gòn Nhỏ, Los Angeles 25. 5. 02.(2) Time Almanac 1999, tr. 141, 1028). (3) Nhật báo San Gabiel Valley Tribune, CA, 13. 7. 2000 trích Associated Press

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002