Đại Chúng số 106 ngày 16/9/2002

MỘT NGÀN LẺ MỘT CHUYỆN NHỚ QUÊN

Mộng Tuyền Nữ Sĩ

Ông Đỗ Thanh Lịch (Atlantic City, New Jersey (Qua văn phòng Chủ Nhiệm TB Đại Chúng): Thưa bà cụ, tôi là độc giả của Tuần Báo Đại Chúng, thành thật thưa cùng bà là tôi rất thích mục "1001 Chuyện Nhớ Quên"... và vô cùng cảm phục sự uyên thâm của bà cụ. Tôi còn nhớ không rõ lắm mấy vần thơ như sau:

Tửu phùng tri kỷ thiên môi thiểu

Họa bất đầu cơ mãn đầu đà...

Chẳng biết các lời thơ này của tác giả nào. Nếu bà cụ nhớ nhắc hộ lại cho. Kính cẩn cám ơn bà cụ.

* "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu" có thể là ông vô ý hoặc do lỗi lầm của người đả tự, viết sai từ chữ "bôi" ra chữ "môi". Câu này có nghĩa: "Bạn rượu tri kỷ mà gặp nhau thì ví dù uống cả ngàn bôi cũng còn là ít.". Câu thứ hai : "Họa bất đầu cơ mãn đầu đà”, tôi nghĩ chữ “Họa” đó là chữ "Thoại". Tức là: "Thoại bất đầu cơ mãn đầu đà.” Chữ “đà” được đọc trại từ chữ “đa” mà ra. Câu thứ hai này để đối lại với câu thơ thứ nhất. Có nghĩa: “Chuyện vãn với nhau mà không tâm đầu ý hiệp thì không có gì phiền não bằng". (Tưởng cũng nên biết câu: "mãn đầu đa” có nghĩa đầy cả sự phiền muộn trong đầu. Có thể đó là câu thơ của Lý Bạch mượn lời của thánh hiền ở trong TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN” như:

"Tửu phùng tri kỷ ẩm

Thi hướng hội nhơn ngâm."

Câu thứ nhất "người sính rượu" không phải lúc nào cũng uống, mà chỉ khi nào gặp được bạn hiền (tri kỷ) mới chịu ngồi cùng đối ẩm. Khi mà đã chịu đối ẩm với nhau rồi thì dù có hàng ngàn bôi đi nữa vẫn còn là còn ít oi.

Câu thứ hai: “người ngâm thơ đâu phải lúc nào cũng đem thơ ra để sính, mà phải đợi gặp người biết thưởng thức mới mang ra ngâm nga cho nhau nghe. Ý nói như Tử Kỳ, Bá Nha vậy.

Hoặc các câu khác cũng trong TĂNG QUẢNG HIỀN VĂN:

*Tửu trung bất ngã chân quân tử

Tài thượng phân minh đại trượng phu".

Câu thứ nhất có nghĩa : Rượu vào mà biết giữ gìn được lời nói, ấy mới là bậc quân tử. Câu thứ hai: Bậc trượng phu thì lúc nào cũng tài thượng phân minh... không làm điều sai quấy về tiền bạc...

Câu đối khác:

* Nhược yếu đoạn tửu pháp

Tỉnh nhãn khán túy nhơn.

Nghĩa câu thứ nhất: Muốn chừa bỏ rượu chè...

Câu thứ hai: Ráng mà mở mắt ra nhìn người say. (Tất nhiên là ta sẽ nhìn thấy sự xấu xa của những người say rượu nó thế nào?!

Một câu khác nữa:

*Khát thời nhất địch như cam lộ

Túy hữu thiên bôi bất như vô.

Câu thứ nhất có nghĩa: Trong cơn khát một giọt quý tợ nước cam lộ. Còn câu thứ hai đối lại: Lúc say rồi dù có cả thiên bôi cũng cầm bằng không!

Lại một câu khác nói về tình đời:

* Hữu trà hữu tửu đa huynh đệ

Cấp nạn hà tằng khiến nhứt nhơn".

Câu thứ nhất có nghĩa: Có trà, có rượu thì đông đảo bạn bè (quây quần lại) Câu thứ hai phản nghĩa lại, mà chính đó là câu đối: "Gặp khi nguy cấp hoạn nạn thì chẳng thấy mấy ai!"

Nhân đây, tôi nhắc đến một bà cụ con cụ Đồ Nho trước kia ở Hải Dương Bắc Việt, có lần hỏi: “Muốn xem người có tư cách của kẻ sĩ hay không, sách vở thánh hiền có câu nào như vậy chăng?” Đây là một câu hỏi khiến tôi phải suy gẫm nhiều. Cuối cùng tôi sực nhớ trong Tăng Quảng Hiền Văn có câu:

“Bất tín đản khan diên trung tửu

Bôi bôi tiên khuyến hữu tiền nhơn."

Câu thứ nhất có nghĩa: "Nếu mà không tin thì cứ nhìn trong bữa tiệc đó... "Và câu thứ hai: "Hình ảnh của người nâng ly lên mời cụng chén , sẽ thấy ngay tình đời toàn là như thế cả. (Không nói chắc ông cũng thừa rõ, kẻ nâng ly mời cụng chén thường hướng trước tiên về người giàu có, hay địa vị cao sang. Còn những người chung quanh chỉ được xem là những người dùng vào vị trí để phụ họa cho hành động phù thịnh của mình!)

Xin hẹn ông vào một dịp khác. Thành thật cám ơn ông đã có lời khen thưởng.

Cụ Đỗ Bá Trác Raleigh Dr. Carollton, TX. 75007: Tôi muốn biết về ý nghĩa và lối viết của lá Triệu (dùng cho các đám tang ma), bà chị có biết xin chỉ giáo. Cám ơn vô cùng.

* Tôi không thông thạo lắm, song có thể nhớ đại khái xin ghi lại hầu cụ. Tại sao gọi là lá Triệu? Nguyên là chữ "MINH TINH" cũng có người lại bảo MINH SINH. Tuy vậy Minh Tinh hay Minh Sinh cũng cùng một nghĩa như nhau. Minh Tinh là miếng lụa bạch dài, ghi tên tuổi chức vụ của người quá cố. Lá Triệu dùng để rước đi trong đám tang. Thường người ta dùng phấn trắng viết trong một miếng lụa màu lục hay màu đỏ tên họ người chết, treo ở một cái giá hay một cần nêu dẫn đường đi trước linh cữu trong khi đưa ma. Lúc hạ huyệt thì đem tấm lụa ấy phủ trên mặt linh cữu. (Ngô học lục).

Theo Thọ Mai cư sĩ thì là triệu xưa dùng lụa đỏ bằng loại khổ chiết, có quan chức từ tam phẩm trở lên thì Minh Tinh phải 9 thước - tính theo thước mộc ngày xưa lối 4 tấc Tây) v.v... Nhưng sĩ thứ chỉ có 7 thước mộc. Về nội dung của lá triệu - tưởng cũng nên biết, lá triệu là bản lý lịch đơn giản của người qua đời. Nội dung viết: Quốc hiệu và quán chỉ. Có nghĩa là viết quốc hiệu cọng với tên tỉnh, huyện, xã thôn của người chết. Đặc biệt là phải biết tính số chữ triệu theo quy định. Cứ một nhóm là 4 chữ, nhưng đến nhóm cuối cùng nếu kẻ quá cố là đàn ông chỉ nên thừa 3 chữ, còn đàn bà thì phải trọn bốn chữ trong nhóm cuối cùng đó. Cách tính dùng bốn chữ như sau: "QUỈ KHỐC LINH THÍNH", tính cho NAM phải trúng chữ "LINH", NỮ phải nhằn chữ "THÍNH". Vì vậy mới gọi là NAM LINH NỮ THÍNH.

Người nào được 60 tuổi ta mới viết "HƯỞNG THỌ", còn dưới 60 tuổi mà qua đời thì viết HƯỞNG DƯƠNG. Nên nhớ chữ PHỦ QUÂN dùng cho nam, chữ NHỤ NHÂN dùng cho nữ. Đại khái như vậy. Có dịp sẽ cùng cụ bàn thảo thêm.

Ông Hoàng Thụy Brookhurst Orange County: Có phải các tin tức thế giới, các bài nhận định hay bình luận đa số trích từ internet, có đúng vậy không ? Xin bà cụ cho biết.

*Nó chỉ đúng với các tạp chí. Trước kia ở Sài Gòn các nhật báo muốn có tin tức thế giới đều mua tin ở các hãng tin quốc thế, mỗi sáng đều được các hãng tin này chuyển đến. Còn tin quốc nội như tin tức nội thành Sài Gòn-Chợ Lớn thì có các phóng viên của tòa báo ăn tin..Tin tức địa phương có các phóng viên địa phương cung cấp về. Các bài nhận định, bình luận, các khảo cứu, các truyện v.v... do Ban Biên Tập hoặc các tác giả gửi vể đăng tải v.v... Ngày nay, các nhật báo vẫn còn nhờ các hẵng tin quốc tế cung cấp, riêng các tạp chí hay tuần san thì nhờ có internet hoặc các báo hằng ngày trích ra. Bài vở cũng có các người trong Ban Biên Tập viết hoặc trích từ trong Internet... Tuy nhiên, để tránh các sự hiểu lầm hoặc bị tai tiếng, thường các báo ghi lại xuất xứ từ đâu bên dưới bài.

Nếu ông muốn được đọc đầy đủ tin tức, có cả hình ảnh cũng như các loại bài vở sưu khảo, khoa học, thường thức, chuyện các danh nhân từ nấu nướng đến mẹo vặt v.v... ông có thể mở trang Web Phantom chẳng hạn. Mạng lưới này có đầy đủ các nguồn tin hay bài vở xuất xứ từ VNEXPRESS, FPT SAIGON, SAIGON NET, KHOA HỌC CÔNG NGHỆ, BBC, VOA... v.v... Ông có thể đọc được đủ mọi thứ.

Cháu Trương Đình Mạc Vũ San Jose CA: Bà cụ có nhớ bài ca dao nào nói về Nghĩa Tào Khang không? Nếu có xin cho một vài bài. Cám ơn bà cụ nhiều.

* Bà nhớ một vài bài viết gửi cháu:

Làm trai lấy được vợ hiền

Như cầm đồng tiền mua được của ngon.

Phận gái lấy được chồng khôn

Xem bằng có vượt Vũ Môn hóa rồng.

Hai tay cầm bốn tô nôi

Tao thẳng tao dùi tao nhớ tao mong

Tao thì báo bổ mẫu thân

Tao thì cắt nghĩa Châu Trần cùng anh.

Cây khô nghe sấm nứt chồi

Đạo chồng nghĩa vợ giận rồi lại thương.

Trên trời dưới đất giữa vua,

Nên chi thiếp phải nhịn thua lời chàng.

Rau răm đất cứng khó bứng dễ trồng

Dầu hay dầu dở cũng chồng của em.

Cụ Đào Văn Hổ El Monte CA. Tôi còn nhớ mấy câu tục ngữ Trung Hoa, nhưng không biết rõ nghĩa. Bà cụ vui lòng giảng giải cho.

1. Kê oa hoán áp oa, hoán lai hoán khứ sai bất đa.

2. Khiếu tiểu tể vô nhục

3. Kiến Văn vương thi lễ nhạc

Kiến Trụ vương động can qua.

* Câu thứ nhất có nghĩa:

"Ổ gà đổi ổ vịt,

Đổi qua, đổi lại cũng in hệt.”

Ta cũng có câu:

“Đẹp như cái tép kho tương

Kho đi kho lại nó trương phềnh phềnh.”

Câu thứ hai có nghĩa:

"Chim hót, thịt không ngon"

Ý nói kẻ nịnh hót, lòng dạ thường quỉ quyệt.

* Câu thứ ba có nghĩa:

“ Gặp Văn Vương thì thi lễ nhạc

Gặp Trụ Vương, giáo mác dở ra.

Ta cũng có câu:

“Đi với Bụt mặc áo cà sa

Đi với ma mặc áo giấy.

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002