Đại Chúng số 106 ngày 16/9/2002

ĐÊM HỘI NGỘ GIA ĐÌNH
ĐẠI VIỆT QUỐC DÂN ĐẢNG

Nhằm tạo cơ hội gặp gỡ và hàn huyên gắn bó sau nhiều năm xa cách, lần đầu tiên tại hải ngoại, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã tổ chức Đêm Hội Ngộ với các chiến hữu và thân hữu Đại Việt ở hải ngoại tại nhà hàng Saigon House tọa lạc trong khu Loehmannõs Plaza, thành phố Falls Church vùng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn ngày 24 tháng 8 năm 2002 lúc 7 giờ tối sau phiên họp Đại Hội kỳ III để thảo luận cương lĩnh, tu chính nội quy Đảng và bầu Ban Lãnh Đạo tại Khách Sạn Fairview Marriott Hotel từ 9 giờ sáng đến 5 giờ 30 chiều cùng ngày. Đại Hội Kỳ III của Đại Việt Quốc Dân Đảng hướng về mục tiêu canh tân, cải tiến và dân chủ hóa Đảng để đẩy mạnh hoạt động đấu tranh quốc nội với sự yểm trợ tích cực của hải ngoại đã đạt thành quả tốt đẹp được công bố trong Đêm Hội Ngộ.

Hiện diện trong đêm Hội Ngộ gồm khoảng 300 quan khách, các Đại Biểu cơ sở Đảng từ khắp nơi trên thế giới và các Đại Biểu tại địa phương. Sau phần nghi lễ chào Quốc Kỳ và một phút mặc niệm, Trưởng Ban Tổ Chức, Ông Lê Minh Châu đã cám ơn quan khách và các chiến hữu tham dự, đồng thời giới thiệu thành phần quan khách gồm quý ông Đại Sứ Bùi Diễm, Trung Tướng Linh Quang Viên, Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh, Bác Sĩ Nguyễn Quốc Quân (Cao Trào Nhân Bản), Ông Cao Thế Dung (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Ông Vĩnh Liêm (Việt Nam Quốc Dân Đảng), Ông Đoàn Hữu Định (Ủy Ban Phối Hợp Hành Động), Ông Trần Văn Đăng (Cộng Đồng New York), Ông Đoàn Quốc Uy (Cộng Đồng Thủ Đô Hoa Thịnh Đốn), Ôg Nguyễn Văn Tần (Hội Hải Quân và Hàng Hải Đông Bắc Hoa Kỳ), Ông Trần Thiện Hiệu (Liên Hội Cựu Chiến Sĩ), Ông Châu Ngọc An (Florida), Ông Quách Huệ Lai (Florida), Ông Bà Bác Sĩ Phạm Duy Khôi (Denver), Ông Hà Công Tư (Phật Giáo Hòa Hảo), Ông Nguyễn Đăng Phương (Phật Giáo Hòa Hảo), Mục Sư Nguyễn Ngọc Cẩn, Ông Huy Lê (Đoàn Thanh Niên Thiện Nguyện), Ông Bà Robert Trinh (Trung Tâm Nhân Điện Hoa Thịnh Đốn), Ông Will Nguyễn (Hiệp Hội Cử Tri Người Mỹ Gốc Việt Hoa Thịnh Đốn), Ông Bà Lý Thanh Phi (Nhảy Dù), Ông Trần Văn Hải (Biệt Đ?ng Quân), ông Hoài Thanh (Tuần Báo Đại Chúng), ông Quốc Vũ (Tuần Báo Tuổi Trẻ Việt Hải Ngoại), ông Đại Dương (Tuần Báo Sóng Thần).

Tiếp theo, ông Lý Văn Phước giới thiệu cùng cử tọa thành phần Tân Ban Lãnh Đạo Đại Việt Quốc Dân Đảng nhiệm kỳ 2002 - 2006 như sau: Chủ Tịch Đảng: Ông Phan Hòa Hiệp, Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Đảng: Bác Sĩ Lý Ngọc Dưỡng, Đệ Nhị Phó Chủ Tịch: Bác Sĩ Nguyễn Minh Tân, Chủ Tịch Ban Chấp Hành Trung Ương: Bác Sĩ Lý Ngọc Dưỡng, Chủ Tịch Giám Sát: Ông Trần Thanh Liêm, các Ủy Viên Thường Trực: TS Đỗ Hùng, Ông Lý Văn Phước, TS Hồ Văn Di Hấn, Bà Trần Thị Hoa. Cố Vấn Đoàn: Ông Nhan Minh Trang, Ông Dương Hiếu Nghĩa, Ông Trần Đức lai, Ông Trần Văn Đăng và Ông Nguyễn Văn Lợi.

Tân Chủ Tịch Đảng, Ông Phan Hòa Hiệp đã ngỏ lời chào mừng và cảm tạ quan khách cùng các Đại Biểu từ các nơi xa về tham dự Đại Hội Kỳ III và Đêm Hội Ngộ Gia Đình Đại Việt. Qua bài diễn văn của Tân Chủ Tịch, Đại Việt Quốc Dân Đảng được sáng lập bởi Đảng Trưởng Trương Tử Anh năm 1936. Ông Trương Tử Anh tên thật là Trương Khán, sinh năm Giáp Dần, 1914, bí danh Phương, con cả trong gia đình 10 anh chị em của cụ Trương Bội Hoàng và Nguyễn Thị Miên. Ông nội là cụ Trương Chính Đường đã sáng lập Hội Văn Phố Phú Yên và cụ đã từng tham gia Phong Trào Cần Vương. Năm 1934, ông Trương Tử Anh được gia đình cho ra Hà Nội học Đại Học Luật Khoa. Cái chết hiên ngang của anh hùng Nguyễn Thái Học cùng 13 đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng tại Yên Bái đã thôi thúc lòng yêu nước của người thanh niên 18 tuổi Trương Tử Anh, đưa Ông vào con đường cách mạng, hiến dâng cuộc đời cho Tổ Quốc. Sau những nghiên cứu các học thuyết chính trị đương thời, ông đã khẳng định và công bố trước đại chúng ngày 10 tháng 12 năm 1936 rằng: chỉ có chủ thuyết Dân Tộc Sinh Tồn là thích hợp với dân tộc ta. Từ đó, Đại Việt Quốc Dân Đảng đã ra đời. Bằng tài ba lãnh đạo, Đảng Trưởng Trương Tử Anh đã gắn bó cùng các đồng chí gồm các thanh niên đầy nhiệt huyết và yêu nước cùng thời, nhiều phen vào sanh ra tử để phát triển Đảng, xây dựng các Chi Bộ, thành lập Xứ Bộ khắp ba miền Trung Nam Bắc. Năm 1942, ông bị mật thám Pháp bắt và tra tấn dã man, bị tù đày ở Hoà Bình, sau bị đưa về quản thúc tại Phú Yên nhưng ông vẫn can trường tranh đấu. Tháng 7 năm 1943, ông lại bị Pháp bắt một lần nữa nhưng được các đồng chí cứu thoát khi ông được Pháp đưa vào nhà thương Cống Vọng gần Hà Nội để trị bệnh do sự tra tấn dã man gây ra. Buổi sinh hoạt cuối cùng của ông với các đồng chí là buổi tối ngày 19 tháng 12 năm 1946 trong một cuộc họp mật để đối phó với tình hình rối ren của đất nước mà Đảng Đại Việt đang là mối nguy cơ của Thực Dân Pháp và Đảng Cộng Sản lúc bấy giờ. Sau đó, ông bị mất tích vĩnh viễn. Năm 1987, báo chí của Cộng Sản Việt Nam đã đề cập đến việc Sở Công An Bắc Việt vào cuối năm 1946 đã bắt giữ Đảng Trưởng Trương Tử Anh và giam tại xà-lim Hỏa Lò Hà Nội rồi đưa đi thủ tiêu sau đó. Về hiện tình sinh hoạt, Ông Phan Hòa Hiệp cho rằng sự kiện chia rẽ ít nhiều trong cộng đồng hải ngoại và các đảng phái ngày nay là một phần do bàn tay của bọn tay sai Cộng Sản đội lốt Quốc Gia nhúng vào nhằm phá hoại sức mạnh đấu tranh của người Việt tỵ nạn Cộng Sản hải ngoại với mục đích củng cố quyền lực thống trị lâu dài cho bọn chúng. Ông Phan Hòa Hiệp cũng nhấn mạnh sự cần thiết của các Đảng phái trong sinh hoạt dân chủ của các quốc gia văn minh trên thế giới. Ông kêu gọi mọi người đến với nhau bằng lòng chân thành và sự tương kính, biết lắng nghe, quý mến, thương yêu đùm bọc lẫn nhau, vì đại cuộc của quốc gia dân tộc mà đứng gần lại bên nhau, trường kỳ tranh đấu giải thế chế độ độc tài Cộng Sản để đem lại một đất nước Việt Nam tự do, dân chủ, hùng mạnh.

Trong phần phát biểu cảm tưởng của chiến hữu, Ông Bùi Diễm cho biết Ông rất xúc động khi nghe Tân Chủ Tịch Đảng Phan Hòa Hiệp nhắc lại tiểu sử của Đảng Trưởng Trương Tử Anh. Cách đây 50 năm về trư?c, khi còn là sinh viên ở Hà Nội, Ông từng cộng tác dưới quyền Đảng Trưởng, hoạt động trong hoàn cảnh vô cùng nguy khó nhưng mọi người không hề sờn lòng. Ông hy vọng Ban Lãnh Đạo nhiệm kỳ 2002 - 2006 của Đại Việt Quốc Dân Đảng sẽ mạnh mẽ tiếp tục phát huy chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn do Đảng Trưởng Trương Tử Anh đề ra, hầu mang lại thắng lợi cho đất nước.

Phần văn nghệ đặc biệt Đêm Hội Ngộ được mở đầu bằng nhạc phẩm Việt Nam Minh Châu Trời Đông của nhạc sĩ Hùng Lân qua sự hợp ca của toàn thể ca nghệ sĩ, các Đại Biểu và quan khách. Nhạc phẩm này đã được chọn là Đảng ca của Đại Việt Quốc Dân Đảng. Chương trình văn nghệ được tiếp nối với những màn vũ dân tộc đặc sắc của Ban Văn Nghệ Đông Phương qua tài nghệ của nghệ sĩ Huyền Phấn và Mina. Với sự điều khiển khéo léo của Ngọc Hương, Ban Vũ Lạc Hồng gồm các em Darlene Trần, Natashia Nguyễn, Christina Nguyễn, Aimee Huỳnh đã trình diễn các màn vũ dân tộc tuyệt tác và đã được giới hâm mộ văn nghệ Thủ Đô đón nhận vô cùng nồng nhiệt. Các nhạc phẩm vinh danh người chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa qua tiếng hát ca sĩ Ngọc Mai, Kiều Nga, Thanh Tâm, Phương Trang, Huyền Linh, Bảo Linh, Hữu Duy, Lệ Dung, Kim Liên, Phan Thanh, Trần Lợi, Robert Trinh và Thảo Hương cùng với tiếng đàn điêu luyện của nhạc sĩ Hoàng Lộc, Duy Linh và Nguyễn Thanh cũng được khán thính giả nhiệt liệt tán thưởng. Đặc biệt, Đêm Hội Ngộ Gia Đình Đại Việt đã được quý chiến hữu và thân hữu có mặt ủng hộ tài chánh nồng hậu. Kể cả các ca nghệ sĩ, không những đã cống hiến tài nghệ còn nhiệt tình đóng góp tài chánh cho Ban Tổ Chức, đem lại sự thành công tốt đẹp về mọi mặt.

Đêm Hội Ngộ đã kết thúc vào lúc 12 giờ đêm 24 tháng 8 năm 2002. Gia Đình Đại Việt cùng với toàn thể thân hữu và ca nghệ sĩ Thủ Đô đã ra về trong niềm hân hoan đầy cảm động của tình thân thương sau bao ngày xa cách. Mọi người cùng hẹn nhau một ngày sánh bước trên các nẻo đường quê hương yêu dấu, khi đất nước thoát ách Cộng Sản, và tự do, dân chủ được phục hồi.

Hương Nam Tường Trình Từ Hoa Thịnh Đốn

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002