Đại Chúng số 105 ngày 1/9/2002

MƯỜI NGÓN TAY TIÊN

Bình Huyên

Trên không, nơi ánh sáng và bóng tối mất hẳn, nhường chỗ cho một môi trường vô sắc, khác với bầu khí quyển chứa đựng bảy mầu trộn thành ánh sáng quen thuộc của loài người. Ở đó, muôn vàn tia điện giao hoà như những mảnh thủy tinh tan vỡ, chảy ra, nhập lại, khi thì đọng thành trái cầu vĩ đại trong suốt, khi thì dẹp đi trải ra như chiếc chiếu khổng lồ cắt ngang môi trường vô sắc kia. Một giao hoà hiếm có của hằng hà sa số phân tử chứa đựng hình ảnh những chuyện xảy ra từ thuả kiếp nào, kết tinh thành sự việc có thể hiểu được, cùng bay vút xuống đúng tầm mắt một người dưới trái đất.

... Vị Tiên tri mắt sâu thẳm, giơ hai bàn tay lên cao, nói với Du-Phi-Tử, vua của chúng Thần, bằng âm thanh mà ai cũng hiểu:

- Tâu Hoàng thượng, nếu Hoàng hậu Mê-Thi có thai, đứa trẻ sinh ra sẽ là con trai. Thái tử sẽ soán ngôi của Hoàng thượng sau này.

Vua Du-Phi-Tử bèn cho triệu Hoàng hậu Mê-Thi tới. Không nói không rằng, vua vươn vai vụt thành khổng lồ, nắm Hoàng hậu Mê-Thi đưa lên miệng, nuốt chửng. Khi nhỏ lại như cũ, vua Du-Phi-Tử ôm đầu, nhăn mặt. Hoàng thượng bị từng cơn đau đầu khủng khiếp hành hạ. Hứa-Mạch, sứ giả của chúng Thần, tới thưa với vua:

- Tâu Hoàng thượng, đây chắc là do Hoàng hậu Mê-Thi nhập long thể gây nên. Để thần cho triệu Hoả Thần Hợp-Phiêu-Tử tới chữa cho Hoàng thượng.

Hoả Thần Hợp-Phiêu-Tử theo gió bay ào lại gần vua Du-Phi-Tử, tay cầm tầm sét bổ thẳng xuống đầu nhà vua. Hai mảnh sọ bật mở. Một bóng tý hon từ trong đầu vua nhảy ra, vụt lớn lên thành nữ tướng mặc chiến bào, lưng nai nịt vũ khí, tay phải cầm cuốn sách dày, tay trái cầm cây bút vàng nạm ngọc, miệng hét lanh lảnh:

- Ta là Mẫn-Nhược-Vân, con gái của Hoàng phụ Du-Phi-Tử và Hoàng mẫu Mê-Thi!

Trước vẻ đẹp dữ dội oai phong của Mẫn-Nhược-Vân, quần thần quì mọp bái phục. Hai mảnh sọ khép lại, hết đau đầu, vua Du-Phi-Tử cười vang, phán:

- Mẫn-Nhược-Vân là con gái yêu của ta. Quân bay! Hãy mang khiên Mực-Điêu và trượng Thiên Lôi ra đây!

Thế là Mẫn-Nhược-Vân trở thành nữ thần của trí khôn, lý lẽ, và tinh khiết, là thần chủ của nghệ thuật, thủ công và canh nông. Nàng còn là thần chiến tranh che chở quốc gia với cây trượng phóng sấm chớp, và cái khiên có gắn thủ cấp của nữ thủy quái Mực-Điêu với mái tóc là những con rắn độc và cặp mắt có ma lực biến địch thủ thành đá. Biểu hiệu của nữ thần là tấm thẻ khắc hình con cú...

Câu chuyện vừa hiện ra đã lọt vào đôi mắt tuyệt đẹp của một người trần. Người đó là một...hài nhi sơ sinh đang nằm trong đống tã dưới bụi tre bên con đường đất lồi lõm. Đôi mắt thơ ngây đã chụp đầy đủ hình ảnh câu chuyện thần thoại, giữ lấy trong tiềm thức của nó. Nữ thần Mẫn-Nhược-Vân giơ hai bàn tay ngọc ngà nhẹ nắm lấy hai bàn tay nhỏ xíu với mười ngón ngọ nguậy một cách khờ dại, rồi buông ra, quay thân hình kiều diễm mà oai phong, bay vút lên cao, biến mất. Phút giao hoà giữa con người và nữ thần đã qua. Bao nhiêu hình ảnh thần kỳ lại tan thành đám bụi phân tử, bay vút lên cao, nhập vào trong môi trường vô sắc.

Trước đó đúng một khắc đồng hồ, tức là 5 giờ 15 phút sáng ngày thứ Hai 30 tháng 12 năm 1952, gần Tết Quí-Tị, một thiếu nữ chừng hai mươi tuổi mặc áo hoa quần đen ống rộng, một tay xách cái giỏ khá lớn, một tay ôm cuộn vải, rảo bước từ bên kia đường đi sang Cống Bà Xếp, Hoà-Hưng. Cô bước nhanh trên con đường đất hai bên có hàng quán lẫn với nhà ở thấp thoáng ánh đèn vàng vọt vì ám khói hoặc bị mồ-hóng dính vào. Một cái quán nhỏ đã mở cửa bán nước ngọt, trà, cà-phê, thuốc hút, bánh mì, bánh ngọt, trái cây. Vài chiếc xe xích-lô đậu bên cạnh quán. Trên mấy cái ghế gỗ thấp, hai ba bác phu xe đang uống cà-phê hoặc hút thuốc rê nhả khói làm mờ đục thêm ánh đèn yếu ớt. Không ai để ý tới cô gái cắm cúi đi thẳng vào trong xóm, bước qua đường rầy xe lửa, leo mấy đống đất dùng làm bậc thang, đi lên con đường Nguyễn-Thông nối dài. Một bên đường có dãy tre xanh đen bao bọc khu nhà lợp tôn, vách gỗ. Bên trong im lìm tối tăm. Không một tiếng chó sủa.

Cô gái đi chậm lại. Tới một khoảng đường có bụi tre hõm vào, cô gái dừng bước. Nhìn quanh, thấy hoàn toàn vắng vẻ, cô đặt cái giỏ và cuộn vải vào sát gốc tre. Đó là những cái tã bằng vải màu. Hai tay cô bế một trẻ sơ sinh từ trong giỏ, nhẹ nhàng để lên đống tã. Đứa bé không kêu khóc. Nó chỉ ngọ nguậy chân tay, chúm đôi môi xinh xinh đỏ chót giữa khuôn mặt đỏ hỏn, phập phồng hai cánh của chiếc mũi cao, ngước cặp mắt to chứa nhiều ánh xanh trong vắt, nhìn đăm đăm vào mặt cô gái. Ánh sao trên trời bắt đầu mờ nhạt. Bầu trời bắt đầu rạng đông. Cô gái gạt nhanh nước mắt, mím chặt miệng cho khỏi bật khóc, nhét vội một bì thư vào dưới lưng đứa bé, rồi xách giỏ không, quay lưng rảo bước trở lại Cống Bà Xếp. Ở đó, dân chúng bắt đầu sinh hoạt bình thường như mọi ngày...

5 giờ 30. Khi bóng một thiếu phụ từ con đường nhỏ lú ra khỏi rặng tre xanh đen, hai tay đứa bé giơ lên cao như muốn theo nữ thần Mẫn-Nhược-Vân, thì Ngài vụt tan biến. Con bé khóc thét lên. Bà Hằng, người thiếu phụ kia, đi nhanh lại gần. Bà cũng xách cái giỏ để đi chợ sớm. Bà cúi nhìn đứa bé, rồi ngoái cổ sang hai bên xem có người nào khác cũng thấy như bà hay không. Yên trí chỉ có mình bà với đứa bé, bà Hằng quàng quai giỏ vào cánh tay, bế đứa bé cùng đống tã lên, đi trở lại con đường nhỏ lúc nãy, mất hút giữa hai hàng cây thấp bao bọc các căn nhà lụp xụp im lìm trong buổi rạng đông của miền nhiệt đới vào lúc cuối năm. Đứa bé nín khóc ngay. Nó hơi nhăn mũi, nhìn người đàn bà đăm đăm với ánh mắt cực kỳ tinh anh.

Bà Hằng đi qua cái sân nhỏ. Ở đó, một chiếc xích-lô máy có xích khoá vào gốc cây vú sữa. Bà bước lên thềm đất, đẩy cửa vào nhà. Đóng cửa, cài then cẩn thận, bà mang đứa bé đặt lên chõng kê sát vách ván giữa nhà. Trong nhà thiếu ánh sáng. Bà đánh quẹt, châm vào ngọn đèn dầu nhỏ trên cái bàn gỗ cũ kỹ, cục mịch, thấp bé ở cuối chõng. Bà ngồi xuống chõng, chống hai tay hai bên người đứa bé và để ý thấy bì thư dưới lưng nó. Rút bì thư, mở ra, bà thấy bên trong có tờ giấy học trò xé vội gấp đôi. Đưa giấy lên gần mắt, bà đọc:

- Trần Minh Nguyệt, sanh lúc 5 giờ chiều ngày thứ Tư 25 tháng 12 năm 1952.

Bà hướng vào buồng trong, nói hơi lớn giọng:

- Anh Năm ơi! Dậy chưa?

Tiếng đàn ông làu nhàu:

- Dậy rồi. Đang mặc quần áo. Mình đi chợ lẹ quá vậy!

Bà Hằng nửa vui nửa lo ngại:

- Mình ra đây. Có cái này hay lắm! Em chưa đi chợ.

Hai vợ chồng ngồi hai bên đứa bé. Ông Năm cau mày bảo vợ:

- Mình không có con, lại vớ phải đứa con gái bỏ rơi ngoài đường. Không hên lắm đâu.

Bà Hằng mỉm cười:

- Ở với nhau hai chục năm, con cái chẳng có. Buồn lắm. Thôi, ta nuôi đỡ đứa nhỏ này cho vui cửa vui nhà. Ai có hỏi thì nói mình mới xin được. Nó tên là Nguyệt, sanh ra được năm ngày. Trông nó đẹp quá trời!

Ông Năm nhìn đứa bé, chép miệng:

- Chắc là con Tây. Mắt xanh, mũi lõ. Thôi, anh cũng chiều mình. Bây giờ anh đi làm đây. Khi nào đi chợ, để con nhỏ ở nhà, phải lấy xích khoá cửa lại.

Bà Hằng vui vẻ nói:

- Mình yên trí. Cứ đi làm đi.

Ông Năm đứng lên, bảo vợ:

- Mình ở nhà. Anh ghé Cống Bà Xếp uống cà-phê trước khi đi làm.

Bà Hằng tiễn ông Năm ra cửa. Ông Năm tới gần chiếc xích-lô máy, mở khoá kéo xích khỏi gốc cây, quàng dây xích vài vòng quanh cổ nệm xe, đạp cho máy nổ, rồi ngồi lên, lái xe ra khỏi sân. Bà Hằng nhìn theo chồng trên chiếc xích-lô kêu xình-xịch khuất sau bụi cây đầu đường, rồi mới khép cửa bước lại chõng. Bà ngồi xuống, bế bé Nguyệt lên lòng. Con bé nhăn mặt, há miệng khóc. Nó bắt đầu đói. Lần sữa cuối cùng được mẹ ruột cho bú cách đó cũng khá lâu. Bà Hằng rung rung hai tay, miệng nựng nịu. Con bé nín khóc một tí, rồi lại há miệng ra khóc. Bà Hằng hơi luống cuống. Như sực nghĩ ra, bà bế con bé đi vội vào buồng trong. Đặt con bé xuống giường, bà vào bếp lấy bình trà còn ấm, đổ một ít vào chiếc tách. Bà mở hũ đường cát, múc một muỗng nhỏ cho vào tách trà khuấy vội, rồi đem lại giường cho con bé uống. Bé Nguyệt chu đôi môi đỏ, mút thià nước trà ngon lành. Bà Hằng mừng rỡ, tiếp tục cho con bé uống hết tách trà. Uống xong, nó nhắm mắt ngủ. Bà Hằng đặt nó xuống giường, lấy mền mỏng đắp, chèn chung quanh con bé. Đoạn, bà vội vã xách giỏ đi ra, khép chặt cánh cửa gỗ. Bà quàng dây xích, khoá ổ, cất chià khoá vào túi áo bà ba, ghim băng lại cẩn thận, rồi đi nhanh ra khỏi ngõ hẹp. Vừa đi, bà vừa nghĩ trong đầu những thứ phải mua thêm cho con bé Nguyệt, nhất là hộp sữa đặc có đường và bình bú sữa...

* * *

... Bên cái hẻm cách chợ Thủ-Đức một quãng đường, chiếc xích-lô máy từ xa chạy tới ngừng lại. Trên xe có người đàn bà và đứa bé gái. Ông phu xe bảo người đàn bà:

- Mình đưa con bé đến đầu hẻm, dỗ cho nó đứng yên ở đó, rồi trở lại đây ngay.

Người đàn bà yên lặng, xuống xe, bế đứa bé gái. Một tay bà cầm túi vải nhỏ. Tới đầu hẻm, bà quàng túi vải lên vai đứa bé, rồi bảo nó:

- Con đứng yên đây, chờ ba má đi chợ, rồi quay lại đón, nghe.

Đứa bé gái ngước cặp mắt ngây thơ, thỏ thẻ:

- Má nhớ mua bánh cho con nhé, má.

Người đàn bà gật đầu, lẳng lặng đi lại chỗ xe xích-lô mở máy sẵn, trèo lên ngồi. Cả ông phu xe lẫn người đàn bà đi khuất, không nhìn lại đàng sau. Bầu không khí yên lặng trở lại với buổi sớm mai. Đứa bé gái hé miệng có mấy cái răng trắng xinh xinh, hướng đôi mắt xanh tuyệt đẹp về chiếc xe xích-lô chạy xa dần, đưa cánh tay trắng nõn có bàn tay ngón dài lên vẫy vẫy. Các nẻo đường dẫn tới chợ Thủ-Đức hãy còn vắng vẻ. Lúc đó là 6 giờ sáng ngày 30 tháng 12 năm 1955, gần Tết Bính-Thân. Con bé Nguyệt đã ba tuổi. Nó bị bỏ rơi lần thứ hai. Lần này do bố mẹ nuôi, ông Năm xích-lô và bà Hằng. Từ khi Nguyệt chập chững biết đi, trong nhà luôn luôn có sự cãi cọ giữa bố mẹ nuôi của nó. Hai người đó khám phá ra rằng đứa con gái nuôi của họ bị thọt một chân. Ông Năm xích-lô làu nhàu:

- Con cái chả có, đem của nợ tàn tật về nuôi. Tốn công, tốn của! Mang cho nó đi!

Bà Hằng cau có:

- Cho ai? Ai mà nhận trẻ con tàn tật, hở mình?

Sau cùng, họ quyết định chờ cho con bé được đúng ba tuổi, mang nó từ Hoà-Hưng xuống Thủ-Đức, gần chợ, chỗ có nhiều người đi kẻ lại, bỏ rơi tại đó.

Bố mẹ nuôi đi rồi, con bé Nguyệt đứng một mình, mắt lơ láo nhìn quanh. Sáng sớm nay, nó đã ăn nắm xôi với muối mè, nên chưa thấy đói. Nó giơ tay phải ra phiá đầu đường. Người nó ngả sang bên trái, rồi nhô lên. Bàn tay trái nó chống vào hông trái cho khỏi mất thăng bằng và để dễ vươn người về phiá trước. Chân bên phải tiếp tục bước tới, lấy thế cho chân trái nhấc lên cao rồi đặt ngay xuống. Đầu gối trái cong lại, đảo nửa vòng, hông trái ẹo ra đàng sau, ngực ưỡn ra đàng trước, khiến thân hình nhỏ bé lại nghiêng ngả, nhô lên thụt xuống. Bé gái nhỏ xíu mang vẻ mặt xinh đẹp kiểu Tây phương trên thân hình tàn tật, cô đơn giữa chợ đời, trông thật vô cùng thảm thương!

Nhưng bé Nguyệt không cô đơn. Một bàn tay nhẹ nhàng đặt lên vai phải của nó. Một giọng nói lanh lảnh oai nghiêm nhưng đượm vẻ thương mến:

- Con đừng lo.

Bé Nguyệt quay lại ngửng lên và thấy một nữ tướng mặc chiến bào, lưng nai nịt vũ khí, tay phải cầm cuốn sách dày, tay trái cầm cây bút vàng nạm ngọc. Đó là nữ thần Mẫn-Nhược-Vân. Mắt bé Nguyệt sáng lên dị thường. Nó nhận ngay ra những nét quen thuộc đã ghi sâu trong ký ức thơ dại của nó cách đó ba năm. Nữ thần Mẫn-Nhược-Vân phán lời ngắn gọn:

- Con cứ chờ ở đây. Sẽ có mẹ nuôi khác tới đón về nhà.

Nói đoạn, nữ thần nắm hai bàn tay đứa bé gái, nhìn sâu vào đôi mắt nó, rồi quay mình tan biến trong ánh bình minh bắt đầu ló dạng. Từ các nẻo đường, người ta tiến về phiá chợ Thủ-Đức mỗi lúc một đông. Âm thanh, tiếng nói mang lại cho khu chợ không khí náo nhiệt của phiên chợ cuối năm. Bà Hậu hôm nay từ Sài-Gòn xuống Thủ-Đức buôn nem chua và một số thổ sản về bán trong cửa hàng nhà bà ở trước chợ Chí-Hoà. Bà bước xuống xe "lam", thong thả đi bộ về hướng chợ. Gần tới đầu hẻm, bà để ý một đứa bé tập tễnh bước qua bước lại. Đến gần, bà thấy đó là một bé gái còn nhỏ lắm, có gương mặt con lai xinh đẹp. Đôi mắt to xanh ngây thơ nhìn lâng láo, ngước lên, chạm ánh mắt già nua đầm ấm của bà Hậu. Một già một trẻ cách nhau hơn ba giáp tiến lại gần nhau như có sức mạnh run rủi họ. Cả hai cùng mỉm cười khá ngỡ ngàng. Nhưng khi Nguyệt cất tiếng nhỏ nhẹ "Mẹ!", nụ cười trên đôi môi hồng nhạt của bà Hậu tắt đi, nhường chỗ cho cái mếu vì xúc động. Bà nhắm mắt lại cố trấn tĩnh. Như thể mới được tia sáng từ tiềm thức rọi vào trí nhớ của bà với muôn vàn hình ảnh biến chuyển từ lạ thành quen, bà Hậu đáp lời kêu gọi của bé Nguyệt:

- Con!

Bé Nguyệt sà vào ôm lấy hai chân người đàn bà trước đó vài phút hãy còn xa lạ. Bà Hậu xoa chiếc vai nhỏ nhắn, vuốt mái tóc nâu mượt dài của con bé. Hai cặp mắt cùng nhắm lại để ứa ra hai hàng lệ phát xuất tự đáy lòng họ. Qua vài phút cảm xúc, bà Hậu cùng Nguyệt dắt tay nhau đi vào chợ Thủ-Đức. Chợt Nguyệt đứng dừng lại, thò tay vào túi xách rút ra mảnh giấy, đưa cho người mẹ mới. Bà Hậu cầm giấy đọc và biết tên họ cùng tuổi của đứa bé. Bà hơi ngạc nhiên vì cử chỉ già dặn hơn tuổi thật của Nguyệt. Bà không thể biết rằng cái nhìn sâu vào mắt Nguyệt của nữ thần Mẫn-Nhược-Vân lúc nãy đã tăng cường khả năng hiểu biết của con bé thêm lên đến bốn năm tuổi. Bà Hậu cũng nhìn xuống, âu yếm nói:

- Vào chợ, má Hậu sẽ cho bé Nguyệt ăn quà sáng nhé. Chịu không?

Mặc dầu đã ăn xôi lúc sáng sớm, Nguyệt chợt cảm thấy bụng hơi cồn cào. Nó gật đầu hai ba cái, cười khúc khích một cách vui sướng, thỏ thẻ:

- Con chịu lắm, má à!

Cả hai mẹ con cùng cười rộ lên. Người đi đường thấy vậy cũng cười theo, mặc dầu không hiểu rõ câu chuyện giữa hai mẹ con bà Hậu. Ăn sáng, mua bán xong, hai mẹ con đi xe "lam" trở về Chí-Hoà. Tiệm tạp hoá Hoà-Bình của bà Hậu hôm nay mở cửa trễ theo thói quen mỗi ngày thứ Năm trong tuần bà dành cho việc xuống Thủ-Đức mua xỉ vài món hàng mới về bán lẻ. Bà dẫn Nguyệt vào nhà trong, chỉ cho nó chỗ ngủ và xếp quần áo, phòng tắm, cầu tiêu. Đoạn, bà bảo con gái nuôi:

- Con chơi một mình trong này hoặc ra cửa hàng gần mẹ cũng được. Con muốn gì, cứ hỏi mẹ, con nhé.

Nguyệt sung sướng gật đầu, nhỏ nhẻ:

- Dạ. Con ở gần mẹ, xem mẹ bán hàng.

Bà Hậu lấy chồng, không có con. Chồng bà chết trước đó vài năm, để lại cho bà căn nhà nhỏ có cửa tiệm tạp hóa và số tiền vốn. Tiệm ở trước chợ Chí-Hoà nên rất đắt hàng. Bà Hậu ở một mình, có của ăn của để. Bà buồn nên hay đi đánh bài cào, tứ xắc trong xóm. Bọn cờ bạc bịp huà nhau bòn mót tiền của bà qua các ván bài. Giống như với các con mồi khác, bọn cờ bạc bịp chưa lột hết tiền của bà Hậu ngay, để kéo dài sự sống bất lương trên lưng các bà nội trợ ưa bài bạc mà lại có cơ sở làm ăn. Các con mồi nai lưng ra làm việc, kiếm tiền, ba phần nuôi thân hoặc nuôi gia đình, bảy phần mang đốt trên chiếu bạc. Nhờ vậy, Nguyệt sống yên ổn với mẹ nuôi. Ngày tháng trôi mau. Nó được cho ăn học từ tiểu học đến trung học tại các trường ở gần nhà. Ngoài giờ học, nó phụ giúp bà Hậu trong việc buôn bán, chợ búa, bếp núc.

Năm 1968, Nguyệt 16 tuổi, học lớp 10 trường Nguyễn-Du ở gần cuối đường Tô-Hiến-Thành, Chí-Hoà. Nàng bận học nên ít quấn quít chuyện trò với mẹ nuôi hơn trước. Bà Hậu buồn nên tối nào cũng đi đánh bạc tới khuya mới về. Bọn cờ bạc bịp cùng nhau bầy mưu ra tay lần chót. Bà Hậu thua bạc liên miên đến nỗi phải vay nợ tháng, rồi nợ tuần, cuối cùng nợ ngày. Tiền gốc cộng với tiền lời lên đến mấy trăm ngàn đồng Cộng-Hoà. Chủ nợ đòi gắt gao, doạ đưa bà ra toà. Bà phải gán căn nhà với cửa tiệm cho chủ nợ. May sao, bà được một ông sư tại một cái chùa gần đó cho ở nhờ một căn nhà kho nhỏ xíu không dùng tới của nhà chùa. Trong thời gian ấy, tại Chợ Cũ Sài-Gòn, có một cửa tiệm chạp-phô lớn do một thương gia khách trú làm chủ. Ông này tên là Lỗ-Bằng, bốn-mươi-tám tuổi, độc thân vì vợ ông đã qua đời. Ông quen với chủ nợ cũ của bà Hậu. Trước đây, ông đã gặp Nguyệt mấy lần tại cửa tiệm tạp hoá trước cửa chợ Chí-Hoà. Thấy cô bé tuy bị tật ở chân, nhưng rất xinh đẹp, ngoan ngoãn, học giỏi, ca hát hay, nhất là vô cùng khéo tay về nữ công, ông Lỗ-Bằng phải lòng cô gái. Ông hay đến thăm hai mẹ con trong xó chùa. Một ngày kia, ông nói riêng với Nguyệt:

- Em hãy về ở với tôi, cho nhẹ gánh bà Hậu. Tôi sẽ cho em tiếp tục ăn học cho đến khi thành tài. Em không phải làm gì hết.

Nguyệt suy nghĩ nhiều đêm, sau cùng nàng nói với mẹ:

- Mẹ cho con đến ở với ông Lỗ-Bằng. Thân con tàn tật chẳng đáng gì. Con muốn mẹ nhẹ gánh với con trong lúc khốn cùng này.

Bà Hậu ngần ngừ mãi mới chịu cho Nguyệt ra đi. Hai mẹ con ôm nhau khóc, rồi chia tay. Bà dặn dò:

- Con ăn ở cho đúng như nhà trường giáo huấn bấy nay, học hành chăm chỉ, thỉnh thoảng về thăm mẹ.

Ông Lỗ-Bằng đem xe hơi đến đầu ngõ đón Nguyệt. Ông đem Nguyệt lên đường Catinat mua sắm cho nàng đủ mọi thứ đắt tiền. Về nhà, ông bảo Nguyệt đi tắm rửa, thay quần áo, rồi theo ông ra xe lên Chợ-Lớn, vào nhà hàng Đồng-Khánh ăn tiệc mừng ngày xe tơ kết tóc giữa cô gái trinh tàn tật và ông khách trú giàu có đa tình. Ăn uống xong, ông đưa Nguyệt đến khu Đại-Thế-Giới uống rượu ngọt đắt tiền, nghe ca hát, xem nhảy muá. Ông bảo Nguyệt ngồi bên cạnh nhìn ông đánh tài-xỉu. Đến gần nửa đêm, ông mang Nguyệt về nhà. Lỗ-Bằng say sưa, còn Nguyệt cũng loáng choáng. Lỗ-Bằng ôm Nguyệt đặt lên giường. Nàng lả đi không chống cự. Lỗ-Bằng đứng ngắm Nguyệt không m?nh vải che thân nằm trên giường Hồng-Kông nệm dầy êm ái trắng tinh. Tấm thân nõn nà với làn da trắng hồng lồng lộng, cặp nhũ hoa căng nở nguyên trinh, các phần thân thể lồi lõm thật khêu gợi. Chỉ phải cái là chân trái hơi nhỏ và cong cong. Khuyết điểm ấy không làm giảm lòng khát khao ham muốn bấy lâu nay của Lỗ-Bằng. Ông tự cởi quần áo, sà xuống trên thân hình nõn nà của Nguyệt như chim Phượng Hoàng vồ mồi. Dưới ánh đèn hồng, chiếc giường Hồng-Kông bằng sắt sơn đen có những vòng nạm bằng đồng bóng loáng, rung lên như trong cơn dông bão. Tiếng thở dồn dập của cặp trai gái tưởng như không bao giờ dứt,...

Nguyệt thành người vợ trẻ ngoan ngoãn của Lỗ-Bằng. Nàng chăm chỉ học hành. Tiền bạc để trong tủ không khoá. Lỗ-Bằng để ý thấy không suy suyển một cắc. Ông bảo Nguyệt bằng giọng thương cảm:

- Em cần chi, cứ tự tiện lấy tiền trong tủ mà xài.

Nguyệt nhìn Lỗ-Bằng với ánh mắt biết ơn, dịu dàng nói:

- Em không cần chi hết. Những đồ dùng hàng ngày và dụng cụ sách vở của em đã được anh sai người làm đi mua rồi.

Lỗ-Bằng càng cảm động, nói:

- Anh tặng em mỗi tháng một món tiền bằng lương một thư ký. Em bằng lòng nhận nhé. Tiền sẽ để trong bao thư trên bàn ngủ trong phòng. Nhận cho anh vui lòng, nghe cưng!

Mỗi tuần, Lỗ-Bằng cho tài-xế chở Nguyệt về Chí-Hoà thăm bà Hậu. Nguyệt biếu mẹ nuôi ít tiền cho bà sống dễ dàng hơn, khỏi phải ra chợ làm việc vất vả cho các xạp hàng. Cuộc đời cứ êm trôi như thế. Bỗng một ngày kia Nguyệt trông thấy quần lót của nàng có vết máu đỏ và huyết trắng. Nàng gầy đi trông thấy. Việc ăn nằm với ông chồng hờ không còn dễ dàng nữa. Lỗ-Bằng mang Nguyệt đi khám bác-sĩ chuyên về bệnh đàn bà. Họ khám phá ra rằng Nguyệt có triệu chứng ung-thư tử cung. Ngày nhận được kết quả thử nghiệm đầu tiên ghê gớm đó, Nguyệt một mình khoá chặt cửa phòng, nằm ôm gối khóc. Lỗ-Bằng gọi cửa mãi không được, buồn bực ra xe phóng đi. Căn nhà lớn sang trọng chìm trong yên lặng u sầu. Nguyệt bỏ bữa cơm tối. Đầu bếp mời mãi không được, đành lấy lồng bàn đậy mâm cơm, rồi xuống nhà dưới làm việc, đồng thời trông coi nhà cửa với mấy người làm khác.

Bóng tối tràn lan trong căn phòng rộng rãi. Nguyệt thổn thức khôn nguôi. Nàng thấy cuộc đời nàng thật là bất hạnh. Rồi đây, khi bệnh phát tác, nàng sẽ phải nằm liệt giường trong bệnh viện phó mặc cho tế bào ung-thư tàn phá phần dưới thân thể. Nàng sẽ chịu đựng những cơn đau xé thịt. Nàng sẽ trở thành vật tế thần trước những bàn tay y khoa vừa chữa trị vừa khảo cứu một con bệnh mà Thần Chết chờ sẵn kéo đi. Nguyệt rên rỉ:

- Trời ơi! Tại sao tôi lại khổ thế này!

Một giọng nói oai nghiêm lanh lảnh nhưng đượm yêu thương:

- Con đừng lo! Hãy rời nơi này, về với mẹ nuôi. Mọi sự sẽ qua đi.

Nguyệt nằm ngửa ra, mở to cặp mắt xanh đẫm lệ và thấy nữ thần Mẫn-Nhược-Vân đứng bên giường. Ngài giơ hai tay cho Nguyệt nắm lấy. Từ lòng bàn tay của nữ thần, luồng điện nóng chạy rần rần sang hai cánh tay của Nguyệt, dâng lên mặt, tràn xuống cổ, lan khắp mình và hạ bộ cùng hai chân của Nguyệt. Nàng thấy người nhẹ nhàng bình yên. Nguyệt mỉm cười nhìn nữ thần, cố cất tiếng nói:

- Con xin nghe lời chỉ dạy. Xin cho con biết Người là ai đã tới cứu con lần thứ ba rồi.

- Ta là nữ thần Mẫn-Nhược-Vân. Mệnh Trời cho con được gặp ta lúc khốn khó. Thôi ta đi.

Khi Nguyệt ngồi dậy, vịn tay lên thành giường sắt, đứng lên chào nữ thần, thì Mẫn-Nhược-Vân đã tan biến. Đâu đây có tiếng cú rúc. Vừa lúc ấy, Lỗ-Bằng gõ cửa, gọi:

- Nguyệt! Mở cửa cho anh vô đi em.

Nguyệt nhẹ nhàng chạy ra mở cửa. Lỗ-Bằng bước vào, đặt hai tay lên vai Nguyệt, nói:

- Em đừng lo. Anh sẽ mang em tới bệnh viện lớn nhất ở Sài-Gòn có các bác sĩ ngoại quốc giỏi nhất, để thuê người ta chữa trị cho em.

Nguyệt nắm hai cổ tay Lỗ-Bằng, nhỏ nhẹ nói:

- Em cám ơn tất cả những gì anh đã cho em bấy nay. Giờ đây, em xin anh chấp nhận lời đề nghị cuối cùng của.

- Đề nghị gì đó em?

- Xin anh hãy để em rời khỏi nơi đây, và hãy quên em đi.

Lỗ-Bằng còn do dự. Nguyệt nói giọng quả quyết nhưng không kém yêu kiều lễ độ:

- Xin anh làm theo lời khẩn cầu của em, nếu anh còn thương em.

Lỗ-Bằng cau mày suy nghĩ. Cuối cùng, ông đi lại tủ, mở ra lấy hết xấp giấy bạc trong đó, để vào một cái xắc nhỏ mầu vàng. Đoạn, ông quay ra, đứng trước mặt Nguyệt, trịnh trọng đưa xắc tiền bằng cả hai tay, ân cần nói:

- Em đã nhất định, anh không dám cản. Xin em nhận cho quà tặng cuối cùng cuả anh, làm kỷ niệm thời gian hương lửa quí giá mà em đã cho anh.

Nguyệt cầm xắc tiền, gật đầu, nghẹn ngào không nói. Lỗ-Bằng tìm valise, tự tay xếp đồ dùng của Nguyệt vào, không quên hồ sơ kết quả thử nghiệm tử cung và giấy của bệnh viện chuyên khoa phụ nữ ghi ngày giờ hẹn khám lần tới. Ông xách valise, dắt tay Nguyệt ra cửa. Ông định mở cửa xe hơi cho nàng bước lên, nhưng Nguyệt đứng lại, dang hai tay ôm chặt lấy Lỗ-Bằng, thì thầm:

- Em cám ơn anh. Xin vĩnh biệt anh từ đây. Đừng lo lắng gì về em. Chúc anh mau gặp bạn đường tốt hơn em!

Nguyệt xách valise, tập tễnh đi ra đường. Một chiếc xích-lô máy chạy ngang. Nàng giơ tay. Xích-lô ghé lại, đưa cô gái nhỏ bé tàn tật đi khỏi khu nhà đồ sộ của thành phố Sài-Gòn với biết bao hào nháng của thập niên 70. Từ đó, Nguyệt về với bà Hậu. Hai mẹ con thuê căn nhà nhỏ trong hẻm đường Tô-Hiến-Thành. Phần lớn số tiền quan trọng do Lỗ-Bằng tặng Nguyệt được để vào trương mục tiết kiệm, một mặt lấy lời, một mặt rút ra dần dần để sống khi phần tiền giữ lại trong nhà đã hết. Nguyệt xin trở lại trường Nguyễn-Du tiếp tục học thi Tú Tài phần Một ban Văn chương. Qua lần khám bệnh thứ nhì, Nguyệt vô cùng mừng rỡ khi được biết các triệu chứng ung thư trước đây của nàng tự nhiên biến mất. Nàng chỉ phải chịu giải phẫu cắt một bướu nhỏ trong tử cung mà thôi.

Sau khi đậu Tú Tài toàn phần, Nguyệt ghi danh vào Đại học Văn khoa ban Anh văn. Ngoài ra, nàng còn học thêm Anh ngữ và Pháp ngữ tại trường Đắc-Lộ trên đường Yên-Đổ. Năm 1975, đất nước bị nhuộm đỏ. Bà Hậu ngã bệnh qua đời. Nguyệt một lần nữa lại rơi vào cảnh bơ vơ. Nguyệt gặp khó khăn về tài chánh. Bao nhiêu tiền gửi trong trương mục tiết kiệm đều bị kẹt không lấy ra được. Nàng lâm vào cảnh thiếu thốn. Tuy nhiên, nàng quyết định không đến nhờ vả Lỗ-Bằng. Chủ nhà đến đòi tiền nhà không được, doạ thưa phường khóm. Số tiền nhỏ còn lại sắp cạn. Nguyệt lo lắng mất ăn mất ngủ. Kiếm một việc làm tạm đủ sống ở Sài-Gòn sau ngày mất nước vô cùng khó khăn. Với một chân có tật, Nguyệt không thể ra Chợ Trời chạy hàng xách được. Theo lời trối trăng của bà Hậu, nàng không tham gia vào hoạt động sinh viên thành đoàn. Đồ vật có giá trị như máy truyền hình, tủ lạnh, máy thâu thanh,... dần dần được Nguyệt kêu người tới bán hết. Nữ trang kỷ niệm cuối cùng là chiếc nhẫn hột xoàn của Lỗ-Bằng tặng cũng rời tay cô gái đáng thương. Cuối cùng, trong căn nhà nhỏ chỉ còn lại cái giường ọp ẹp, chiếc chiếu rách cùng tấm mền cũ rích và cái mùng nâu đã phai mầu. Nguyệt chỉ còn ít đồ lót và hai bộ quần áo bà-ba thay đổi cũng đã hơi phai mầu. Bữa ăn của nàng là những củ khoai lang, khoai mì, nước máy.

Một buổi tối kia, sau khi nuốt miếng khoai cuối cùng với mối lo không biết ngày hôm sau kiếm đâu ra khoai mà sống, Nguyệt ôm mặt thở dài nước mắt ròng ròng. Nàng nhìn ra ngoài bóng tối, nhắc một mình câu nói chợt vang lên trong ký ức: "Ta là nữ thần Mẫn-Nhược-Vân. Mệnh Trời cho con được gặp ta lúc khốn khó..." Tiếng nói yếu ớt của Nguyệt vừa dứt, trước mắt nàng đã hiện ra nữ thần sáng láng. Ngài phán:

- Con đừng khóc nữa. Hãy cầm thư này đến địa chỉ ghi ngoài bao, sẽ được giúp đỡ. Đừng trở về đây nữa.

Nguyệt cúi xuống, thấy trên mặt chiếu có bao thư dán kín, bên ngoài đề địa chỉ Hội Hồng Thập Tự ở gần nhà thương Từ-Dũ. Nàng cầm bao thư, ngửng lên, không thấy nữ thần Mẫn-Nhược-Vân đâu cả. Sáng hôm sau, Nguyệt rửa mặt mũi sạch sẽ, mặc bộ quần áo bà-ba mới giặt phơi khô để dưới chiếu cho thẳng nếp, rồi khép cửa, đi bộ từ Chí-Hoà đến đường Hồng-Thập-Tự. Mặc dầu chưa ăn uống gì cả, nàng không cảm thấy đói khát, mà còn thấy trong người nhẹ nhàng khoẻ khoắn khác thường. Tới một villa rộng lớn, cổng đóng kín, Nguyệt bấm chuông. Ông gác cổng người Việt đứng trong cổng sắt hỏi:

- Cô cần gặp ai?

Nguyệt im lặng, đưa cho ông ta bao thư. Cầm bao thư đi vào trong một chốc, ông gác cổng trở ra, mở cổng, trịnh trọng mời:

- Mời cô vào gặp bà phó Giám đốc Hội Hồng-Thập-Tự Quốc Tế.

Như trong giấc mơ đẹp, Nguyệt được tiếp đón nồng hậu. Người ta cho nàng ở trong một phòng riêng nhỏ trên lầu hai. Buổi trưa, bà nhà bếp người Việt gõ cửa mời nàng xuống phòng ăn. Ở đó nàng gặp nhiều người Âu Mỹ cũng được cho tạm trú, chờ ngày hồi hương. Nguyệt có dịp chuyện trò với họ bằng hai sinh ngữ Anh Pháp. Buổi chiều, một thiếu phụ Pháp dẫn Nguyệt xuống nhà kho chứa đủ loại hàng, cho nàng lựa chọn quần áo, giầy dép, tất, vừa với nàng, cùng các đồ dùng cần thiết. Nàng để tất cả vào một valise và một xách tay nhỏ, mang về phòng. Đoạn, họ bảo Nguyệt ăn bận đàng hoàng, lên lầu ba chụp hình. Ba hôm sau, Nguyệt nhận được Laissez-Passez của Toà Đại sứ Pháp và Giấy Xuất Cảnh của sở Ngoại kiều Việt Nam cấp phát. Nàng mang tên Pauline TRAN. Tám giờ sáng ngày thứ Hai, 20 tháng Tư năm 1976, Nguyệt cùng một số người mang quốc tịch Pháp được xe minibus của Hội Hồng-Thập-Tự Quốc Tế chở ra phi trường Tân-Sơn-Nhất đáp máy bay hồi hương.

Tại phi trường Charles-De-Gaulle, Nguyệt được đại diện ủy ban hồi hương đón về trung tâm tiếp nhận ở tỉnh Sarcelles ngoại ô phiá bắc Paris. Ở trung tâm được tám tháng, Nguyệt được giới thiệu tới sống với một bà người Pháp ở Paris. Bà này tên là Aurélie lai Việt-Pháp, không có con cái họ hàng xa gần. Bà muốn một thiếu nữ cũng lai Việt-Pháp hoàn toàn cô độc như bà tới sống chung với bà. Nguyệt được ăn ở, may mặc đầy đủ, và hàng tháng nhận một số tiền tám trăm quan Pháp bỏ túi. Nàng phụ giúp bà Aurélie trong các công việc nội trợ, mua bán, canh chừng nhà cửa, đi dạo với bà, theo bà du lịch trong và ngoài nước,...

Giữa năm 1999, bà Aurélie qua đời, để di chúc cho Nguyệt một món tiền nhỏ. Căn nhà, đồ đạc, tiền trong trương mục đều tặng cho các hội từ thiện. Nguyệt phải lo lấy mọi thứ. May sao trong thời gian trước đó, nàng hoạt động với các tổ chức Công Giáo Việt-Nam, nên quen biết một số phụ nữ cùng tuổi. Giờ đây, Nguyệt tới ở chung với mấy bà đồng cảnh ngộ. Sở Thất Nghiệp cho nàng những việc làm theo khế ước ngắn hạn. Một thời gian ngắn sau, các bà bạn đó phải rời Paris xuống miền Nam làm việc. Nguyệt một mình ở lại phải trả tiền nhà hàng tháng. Vì không kiếm được việc làm lâu dài, nàng rơi rất nhanh vào cảnh thiếu thốn nơi đất lạ. Năm sau đó, nàng bị thất nghiệp liên miên, chỉ lãnh được tiền phụ cấp tối thiểu (R.M.I.), rồi lại bị tịch thu đồ đạc vì thiếu thuế TV. Nàng cầu khấn nữ thần Mẫn-Nhược-Vân ngày đêm. Nhưng nữ thần không hiện ra nữa.

Trong những giờ phút chán nản lo âu, Nguyệt thường nhắm mắt cho tâm hồn lắng đọng. Một đêm kia, nằm một mình thao thức, Nguyệt thấy từ cõi sâu thẳm của tâm hồn le lói vài hình ảnh xưa cũ mà từ khi lớn lên nàng chưa hề nhớ tới. Nàng thấy mình thật nhỏ bé, nằm dưới đất nhìn lên một khuôn mặt của thiếu nữ Việt-Nam khoảng hai mươi tuổi có hai vành môi cùng đôi gò má giống nàng như đổ khuôn. Người đó cắn môi, ứa nước mắt, nhìn xuống rồi cúi đầu quay đi. Nguyệt thì thầm hỏi:

- Có phải mẹ ruột của con đấy không? Bố ruột của con đâu?

Nàng quì lên, chắp tay, thành khẩn nguyện ước:

- Đời thiếu bố mẹ ruột là cả một chuỗi khổ ải, một sa mạc trống trải, một biển nhớ thương. Xin Trời cho con đuợc gặp bố mẹ nếu các người còn sống, thì dẫu chết con cũng vui lòng.

Nàng ngủ thiếp đi. Lúc tỉnh dậy, nàng hấp him đôi mắt trong ánh nắng rực rỡ tràn ngập căn phòng. Có tiếng gõ cửa. Nàng ra mở. Người đưa thư trao cho nàng lá thư bảo đảm. Ký nhận xong, Nguyệt đóng cửa, hồi hộp mở thư. Đó là thư của sở Thất Nghiệp giới thiệu nàng cho một nhà xuất bản ở Paris. Họ cần một nhân viên trang trí các cuốn truyện bằng tranh vẽ, cần phải nói viết thông thạo Anh Pháp ngữ. Nguyệt thở dài ngao ngán, nói một mình:

- Sở Thất Nghiệp thật là vô duyên! Làm sao mà mình đảm trách được việc này?!

Tuy nhiên, ở bước đường cùng, Nguyệt đành liều. Nàng sửa soạn qua loa, đóng cửa, đi ngay tới nhà xuất bản cách chỗ nàng ở ba trạm Métro. Bà chủ nhà xuất bản tiếp Nguyệt trong phòng làm việc đầy bàn ghế, hồ sơ, dụng cụ. Bà ta chỉ xuống một cái bàn, nói:

- Cô hãy ngồi xuống, cầm bút chì, sáng tạo cho tôi xem một bức tranh với bất cứ đề tài nào.

Nguyệt líu ríu ngồi xuống. Trước khi cầm cây bút chì vẽ, nàng chợt nhìn bà chủ, và giật mình sửng sốt: Khuôn mặt bà chủ giống nữ thần Mẫn-Nhược-Vân như hệt, đang nhìn nàng bằng ánh mắt quen thuộc! Nguyệt giụi mắt. Khuôn mặt bà chủ trở lại như cũ. Bà thấy Nguyệt ngập ngừng, bèn tiến lại, hai tay nắm lấy tay Nguyệt, miệng tươi cười bảo:

- Vẽ đi, cô Pauline Tran!

Nguyệt thấy đó là những ngón tay óng ả của Mẫn-Nhược-Vân! Nàng cầm cây bút chì, vờn trên tờ giấy vẽ trắng tinh. Nét bút tung hoành mỗi lúc một nhanh, thành những đường vẽ thật tài tình. Sau hai chục phút, Nguyệt ngừng vẽ, đặt bút xuống bàn. Nhìn vào bức tranh, cả bà chủ lẫn Nguyệt đều ngạc nhiên: Đó là hình một cặp tình nhân, gái Việt trai Pháp, đang ôm nhau bên bờ sông Sài-Gòn vào buổi hoàng hôn. Hình vẽ linh động tuyệt vời như do một hoạ sĩ đại tài vừa sáng tạo. Cô gái có vành môi và gò má giống Nguyệt như đúc. Anh con trai mang đôi mắt, sóng mũi, chiếc cằm chẻ y như của Nguyệt. Bà chủ reo lên:

- Tuyệt tác! Cô làm việc luôn cho chúng tôi. Bức họa quí giá này sẽ được in làm nhiều bản, tung ra quảng cáo khắp Âu Châu mang tên của hoạ sĩ Pauline Tran và danh hiệu nhà xuất bản của chúng ta!

* * *

Một tháng sau đó, Nguyệt nhận được hai lá thư. Một lá của ông Georges P. ở Nice, một lá của bà Trần Minh Sâm ở Lille. Cả hai đều nhận là người trong hình vẽ cách đó bốn mươi bảy năm ở Sài-Gòn. Họ hẹn sẽ tới nhà riêng gặp Nguyệt nếu nàng cho họ biết ngày giờ thuận tiện. Nguyệt chắp tay, cầu khấn:

- Nếu là ý Chúa, xin cho con được gặp bố mẹ ruột lần này!

Nàng hồi âm hai lá thư, hẹn ông Georges và bà Sâm cùng một ngày giờ tại nhà riêng. Năm giờ chiều ngày thứ Sáu 25 tháng 12 năm 1999, đúng vào ngày sinh nhật của Nguyệt, ba linh hồn được bàn tay thần linh của nữ thần Mẫn-Nhược-Vân cho tụ họp lại với nhau sau bốn mươi bảy năm xa cách. Ông Georges goá vợ, bà Sâm goá chồng. Họ ngồi đối diện nhau ở hai đầu bàn. Nguyệt ngồi giữa. Qua vài câu trao đổi xã giao kèm theo mấy lời tự giới thiệu, ông Georges tiếp tục nói như phân trần với người yêu cũ:

- Hồi ấy, phải về Pháp, anh có liên lạc sang Việt-Nam, nhưng Sâm đã rời địa chỉ.

Bà Sâm tiếp lời:

- Em bị gia đình xua đuổi, phải lấy một quân nhân Pháp, theo chồng hồi hương, ở tại Lille cho đến khi chồng em qua đời cách nay năm năm. Hai vợ chồng em không có con với nhau.

Yên lặng một phút. Ông Georges nhìn bà Sâm, nói:

- Câu chuyện của chúng ta thật là tầm thường, chẳng đáng dài dòng. Chỉ có một chi tiết khó hiểu là việc Pauline Nguyệt làm sao mà vẽ được hình của hai chúng mình giống đến thế.

Bà Sâm không trả lời được. Bằng ánh mắt vô cùng âu yếm, Nguyệt hết nhìn ông Georges, lại quay sang ngắm bà Sâm, rồi nhỏ nhẹ nói:

- Lòng khao khát có bố mẹ đã giúp con vẽ được như vậy. Không có bố mẹ, con không thể sống trọn vẹn cuộc đời với đầy đủ ý nghĩa của nó. Ước nguyện của con là được chung sống với cả bố lẫn mẹ dưới cùng một mái ấm gia đình. Bố mẹ cho con đặc ân đó nhé.

Ba đôi bàn tay đưa ra giữa mặt bàn, nắm chặt lấy nhau, dưới những ánh mắt tràn ngập tình yêu thương vô bờ bến, tự hứa sẽ mãi mãi sống bên nhau...

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002