Đại Chúng số 105 ngày 1/9/2002

VIẾT THÊM VỀ NHẤT LINH VÀ
TỰ LỰC VĂN ĐOÀN

Đặng Trần Huân

Nguyệt san Thế Kỷ 21 số 159 phát hành tháng 7. 2002 tại Nam California, số đặc biệt tưởng niệm Nhất Linh, là một số báo giá trị, công phu và hữu ích. Vài mươi năm sau khi viết tới những vấn đề văn học liên quan tới Tự Lực Văn Đoàn và các đoàn viên, không thể không tham khảo số báo đặc biệt này.

Vì thế nội dung những bài trong Thế Kỷ 21 số 159, trừ những bài về kỷ niệm và thiên tài Nhất Linh viết theo ký ức hay cảm tính có thể tùy hứng của các tác giả, nhưng những bài có tính chất biên khảo có tham chiếu tài liệu thì cần thật chính xác, chính xác chừng nào hay chừng ấy để người viết sau có thể tin cậy.

Riêng trên phương diện đó, sau khi đọc không sót một bài nào trong Thế Kỷ 21 số 159 (tưởng niệm Nhất Linh) tôi xin góp ý mấy điểm như sau:

1 - Ông, bà Nhất Linh có bao nhiêu con?

Trong bài Những Kỷ Niệm Riêng... , Trương Bảo Sơn viết về bà Nguyễn Tường Tam: "Tuy sinh 13 lần nhưng chỉ nuôi được có bảy con, 5 trai và 2 gái" (tr. 26).

Trong bài Nhất Linh, Tự Lực Văn Học... Lê Đình Thông chú thích "nhà văn Nguyễn Tường Tam có năm người con” và cẩn thận ghi tên cả năm người và nơi họ đang sinh sống (tr. 69).

Trong bài Nữ Sĩ Anh Thơ Viết Về Nhất Linh, bà Tam đã trả lời về việc cho anh Triệu làm con nuôi nhà văn Khái Hưng "... anh Khái Hưng là bạn thân nhất của nhà tôi mà lại không có con trong khi chúng tôi có những bảy cháu" (tr. 93)

Tiếc thay cả ba bài của ba tác giả dẫn trên không cho biết thời gian viết là năm nào, trừ bài Nữ Sĩ Anh Thơ... ghi theo hồi ký Từ Bến Sông Thương xuất bản năm 1986. Thiết tưởng khi viết về địa danh, nhân danh, hay số liệu nên ghi thật đúng, nếu những điều không chắc chắn xin ghi có lẽ, khoảng chừng mà không khẳng định.

2 - Báo Ngày Nay đình bản năm nào?

Trong bài Cười Cợt Để Sửa Đổi Phong Hóa..., Động Đình Hồ nói tham chiếu bài Thư gửi cô Mai, cô Loan của Nguyễn Thị Vinh thì tuần báo Ngày Nay đình bản năm 1939. Nhưng ngay dòng dưới (tr. 52), Động Đình Hồ cho in hình bìa tờ Ngày Nay số 222 phát hành ngày 24. 8. 1040 để chứng minh là năm 1939 báo Ngày Nay chưa đình bản và gián tiếp cho Nguyễn Thị Vinh là sai. Có thể bà Vinh sai thật vì ngay khi trả lời cuộc phỏng vấn của Anh Vân đăng trên nguyệt san Hương Quê số 47 tháng 8. 1998 xuất bản tại Houston, TX, bà cũng nói rằng " hiện nay tôi cũng có một số tài liệu về việc ấy (TLVĐ) nhưng không bảo đảm sự chính xác. Do đó không dám phổ biến”. Tôi đề nghị tòa soạn Thế Kỷ 21 nên mượn chính tờ bìa Ngày Nay số 222 của Động Đình Hồ để coi tận mắt và đính chính lại ngày khai tử của Ngày Nay.

3 - Tên thật của Thế Lữ.

Cho tới nay hầu như đa số nhà văn, nhà báo hải ngoại vẫn tưởng tên thật nhà văn Thế Lữ là Nguyễn Thứ Lễ và bút hiệu Thế Lữ là sự đảo lộn các chữ cái Thứ Lễ như trường hợp đảo lộn Khánh Giư thành Khái Hưng. Kể cả Thế Kỷ 21 nơi trang 65. Tôi cũng đã lầm như vậy cho tới năm 2000. Sau khi dò hỏi và nhờ tiếp xúc với con trai nhà văn Thế Lữ là ông Nguyễn Đình Nghi được xác nhận tên thật Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ tôi đã viết bài kèm phóng ảnh đăng trên Thế Kỷ 21 số 144, phát hành tháng 4. 2000

4 - Sai lầm từ Phạm Thế Ngũ.

Hồi còn ở Việt Nam, cho tới năm 1975 có lẽ bộ sách Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên của Phạm Thế Ngũ do Quốc Học Tùng Thư, Sài Gòn in năm 1962 – 1965 là công phu nhất về văn học Việt Nam và được nhiều người tham khảo. Trong cuốn III, Phạm Thế Ngũ viết về TLVĐ khá đầy đủ nhưng không nói tên các đoàn viên mà chỉ nói TLVĐ gồm 7 người và được Khái Hưng kể trong tiểu thuyết Những Ngày Vui. Lầm lẫn nhỏ này khiến Trần Bích San đã lầm theo khi viết bài dăng trên tuần báo Sài Gòn Nhỏ số Xuân Đinh Sửu, 1997. Trong Thế Kỷ 21 sốâ đặc biệt về Nhất Linh, tác giả Lê Đình Thông cũng ghi Khái Hưng đã viết về 7 đoàn viên TLVĐ trong Những Ngày Vui. Tôi may mắn không lầm theo Phạm Thế Ngũ vì đã tìm Những Ngày Vui đọc lại, dò từng giòng không hề thấy giòng nào nói về thi đoàn Pleiade ở Anh, Pháp hay các vì sao Pleiades trong thần thoại. Điều đó cho thấy chi tiết trong biên khảo khá quan trọng.

5 - Ai là cha đẻ Xã Xệ?

Trong bài viết về Lý Toét, Xã Xệ, Động Đình Hồ thắc mắc không biết Lý Toét, Xã Xệä do ai sáng tác (tr. 52).

Lê Đình Thông viết Nhất Linh " là cha đẻ của Lý Toét, Xã Xệ" (tr. 66). Thực ra Nhất Linh không nhận điều này vì trong di cảo viết tay của Nhất Linh nói rõ. Ông ghi: "Bút Sơn, ở Sài Gòn (người đã vẽ ra Xã Xệ - tên thật chưa biết). Xin ông Bút Sơn (nếu ông còn sống) hay các bạn ông cho biết tên thật". Như vậy đã rõ cha đẻ của Xã Xệ nhưng ông thân sinh của Lý Toét là ai thì chưa có lý lịch.

6 - TLVĐ có bao nhiêu đoàn viên?

Vấn đề gai góc nhất là thành viên TLVĐ. Trong TK 21 số 159 trang 10 và trang 65 đều viết thành viên TLVĐ khi thành lập năm 1933 có 7 người trong đó có Nguyễn Gia Trí.

Từ năm 1997 tới năm 2000 tôi đã kê cứu nhiều tài liệu để tìm hiểu về thành viên TLVĐ và kết luận văn đoàn chỉ có 7 người căn cứ trên bản phác họa hồi ký do chính Nhất Linh viết tay và đã được in trên nguyệt san Văn Học Nghệ Thuật số 3 phát hành tháng 7. 1985 tại Cali do Võ Phiến làm chủ nhiệm. Trong tờ phác họa này Nhất Linh ghi rõ Xuân Diệu là đoàn viên, Nguyễn Gia Trí chỉ là cộng tác viên. Và ông cũng ghi tên thật của Thế Lữ là Nguyễn Đình Lễ.

Sau khi viết bài về các thành viên TLVĐ đăng trên Thế Kỷ 21 số 102 - tháng 10. 1997, tôi lại đọc được một số bài về TLVĐ ghi thêm nhiều tên vào văn đoàn này.

Chẳng hạn như Hội Nhà Văn Việt Nam Hà Nội viết rằng TLVĐ có Trần Tiêu, thi sĩ Tân Việt, họa sĩ Đông Sơn vì họ không biết Tân Việt và Đông Sơn chỉ là hai bút hiệu khác của Nhất Linh (Lời Nói Đầu trong bộ Tuyển Tập TLVĐ do Nxb Hội Nhà Văn, Hà Nội xuất bản năm 1999).

Trên báo Con Ong TX số 65 phát hành ngày 11. 6. 99, tr. 91, Đông Ngàn viết "Phạm Văn Hạnh là một nhà văn trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn “. Điều này hoàn toàn sai.

Trong cuốn Thơ Và Đời do Lữ Huy Nguyên biên soạn , Nxb Văn Học, Hà Nội thực hiện năm 1995 ở trang 229 viết đoàn viên TLVĐ nòng cốt là 6 nhà văn trong tòa soạn Phong Hóa và Nhất Linh đề nghị kết nạp thêm Trần Tiêu làm đoàn viên thứ bảy cho đủ thất tinh.

Trong bài của tác giả Lê Văn Thông thì Tú Mỡ viết rằng có nhận thêm Xuân Diệu vào TLVĐ để thành bát tú (tr. 69). Trong cuốn Tiếng Cười Tú Mỡ do Hội Nhà Văn, Hà Nội xuất bản năm 1993, Tú Mỡ viết ở trang 37 “năm 1939 cái thất tinh hội ấy bắt đầu lu mờ”, trang 44 ông viết “thất tinh hội TLVĐ tan tác”, trang 45 ông bồi thêm "thất tinh hội rơi rụng mất ba".

Tôi được nhạc sĩ Duy Trác ỏ Houston, TX gửi cho phóng ảnh về những đoạn tôi cần trong cuốn Tiếng Cười Tú Mỡ. Cuốn sách đó tôi chắc chắn tế tử của nhà thơ Tú Mỡ là nhà văn Doãn Quốc Sỹ cũng ở Houston đang có.

Đầu năm 2002 tôi nhận được từ nhà văn Duy Lam bản phóng ảnh trang báo Văn Hóa Ngày Nay số 1 đăng truyện Cúng Cơm của Đỗ Đức Thu. Trong lời giới thiệu bằêng chữ nhỏ in trên tên truyện có câu "Sau hơn mười lăm năm nhà văn lão thành Đỗ Đức Thu trong TLVĐ mới lại có truyện đăng...” . Theo tôi lời giới thiệu này có thể do một người trong tòa soạn viết và Nhất Linh không coi lại kỹ trước khi cho in.

Trước những bài viết theo ký ức rối mù như vậy tôi nghĩ ta nên tin di cảo của Nhất Linh đã phổ biến trên nguyệt san Văn Hóa Nghệ Thuật số 3.

Không tài liệu nào có thể chính xác và khả tín hơn tài liệu do chính người đứng đầu TLVĐ viết tay đ? lại cho chúng ta. Vậy ta hãy cứ tin TLVĐ có 7 đoàn viên là Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Thế Lữ , Tú Mỡ, Xuân Diệu và chúng ta không đủ thẩm quyền tùy tiện thêm hay bớt tên ai cả.

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002