Đại Chúng số 105 ngày 1/9/2002

CON NỢ CỦA BA MỘT CÁNH HỒNG

Mùa Vu Lan 02 – Nguyễn Tú

Ba kính yêu muôn đời của con, Ba đã ra đi vĩnh viễn rồi! Ba nằm xuống trong lúc con ở thật xa, xa đến không thể về để nhìn Ba một lần cuối cùng và choàng lên đầu một mãnh khăn tang để đưa tiễn Ba một đoạn cuối cùng. Con nợ Ba một cành hoa hồng yêu thương bỏ vào huyệt mộ. Ba ơi, tha tội cho con.

Từ rất lâu, cha con mình đã có một tình cảm thật sâu sắc. Lúc còn bé Ba cưng con nhất nhà. Mọi việc lớn nhỏ đều giao cho phó hết cho con, không phải để “làm" mà để “giám sát”. Ba hay nói đùa “có con gái cưng của tao ở đây, nó báo cáo hết.”

Ba là một người thợ máy rất giỏi. Lúc tụi con còn nhỏ xíu ba đã làm chủ một tiệm sửa xe rồi con nghiễm nhiên thành cô chủ nhỏ trong garage. Con nhớ tiệm của mình có nhiều thợ và rất đông khách sửa xe. Lúc nào cũng bận rộn, lúc nào cũng có ca làm đêm. Nhớ những ngọn đèn măng sông sáng rực và không khí nhộn nhịp trong xưởng con thích nhất là được thức khuya nhất định chờ để được ăn chè, hay ăn cháo rồi mới chịu đi ngủ.

Lúc ấy con còn nhỏ lắm, chưa đủ để nhớ tất cả mọi chuyện. Chỉ biết là con được sống sung sướng lắm, có đầy đủ mọi thứ mà các bạn cùng tuổi phải thèm thuồng. Nhà mình ở Sài Gòn có garage "Lê Nguyễn", rồi ở Đà Lạt cũng nổi tiếng với xưởng sửa xe của Ba. Ba có nhiều học trò lắm và dạy rất tận tâm. Đến nay, còn vài người ở Sài Gòn thành công rất lớn và là những ông chủ giàu có nổi tiếng.

Con vẫn nhớ những kỷ niệm sâu sắc nhất cho đến bây giờ. Lúc nhỏ, con thích nhất là được dọn nhà đi ở chỗ mới vì vậy mà mấy lần thất vọng quá chừng vì phải trở về nhà khi nước rút hết sau những trận mưa lũ Đà Lạt.

Có lần garage của mình bị một nạn lớn vì các ông "me sóc" ở làng bên đến nằm vạ, kiện cáo vì mình không hàn được cái phèn la của họ mà còn làm thủng lớn hơn, Ba thương lượng là sẽ bồi thường cái mới mà họ không chịu. Họ nói cài phèn la đó đã rất lâu năm, giá trị lớn lắm vì họ đã tế biết bao nhiêu là trâu bò heo gà, phèn la của họ là vô giá! Con nhớ họ làm dữ lắm, cũng vì việc đó mà Ba phải bỏ ăn, bỏ ngủ để giải quyết. Họ thấy mình có garage có máy hàn nên đến nhờ, không ngờ bị phiền phức đến như vậy. Con sợ lắm, nhất là thấy mấy người thượng ca hát cúng tế cái phèn la.

Lúc ở Đà Lạt, con suýt chết vì mê bắt con rùa vàng, cái con nhỏ xíu biết bay mà mỗi lần nó đậu lại xếp hết cánh vào giống hệt như con rùa nhỏ thật dễ thương. Con vì với cành cây bắt nó mà hụt chân lăn xuống suối, may mà lúc ấy suối thật cạn, Ba đã hốt hoảng hô hào thợ thuyền bỏ hết việc để cứu con và lo lắng săn sóc hết lòng!

Rồi nhà mình cuối cùng lại dọn về Sài Gòn. Cứ mỗi lần đi xa là cái màn say xe lại tái diễn, xe bị "rửa" dài dài! Nhà mình là garage có xe hơi mà con là đứa thích đi xích lô nhất. Ba hay nói đùa "tội nghiệp số con tôi khổ!"

Ba ơi! Bây giờ con đâu bị say xe nữa, con lái xe hàng ngày, những lúc tư tưởng trãi dài trên đường, con nhớ Ba lắm. Mấy mươi năm rồi, Ba năm nay đã già nhưng vẫn còn cứng cáp lắm, ngày nào cũng y phục chỉnh tề thả bộ đi thăm con cháu và bà con trong xóm mà sao lại bất ngờ nằm xuống như vậy?! Nếu ba không bị té và không vì khó chịu mà cắt bỏ mấy cái băng bột ra thì đâu đến nỗi!

Má mất năm 1960, lúc ấy Ba đã ra Ban Mê Thuộc để lập nghiệp. Năm 1967 con lấy chồng, Ba cũng không về được để mừng cho con, chỉ có dì Út dẫn Sơn về. Đứa em út của con theo Ba mấy năm nay trên đó. Sau đám cưới độ gần Tết, em con năm nỉ van xin hết lời để được ở lại Sài Gòn ăn Tết mà không được. Dì Út nhất định dẫn em con về vì sợ Ba rầy. Sơn về lại Ban Mê Thuộc và chết ngay mồng một Tết Mậu Thân.

Biến loạn thất lạc tin tức, hơn nữa năm sau Ba về lại Sài Gòn con mới hay em con đã chết. Lòng con đau như cắt, em đã van xin ở lại mà không được, lúc ấy Ba như không còn sinh lực, gầy ốm, đau khổ.

Ba đã chở xác em đi mấy ngày đêm trong biến loạn và nằm ở ngoài mộ với em ròng rã triền miên. Ba cưng nó lắm. Con nhớ lúc còn ở Sài Gòn mỗi lần Ba về thăm, em con mừng lắm. Lúc đó nó còn nói đớt và luôn miệng khoe với bạn bè "Ba tao về tao như rồng lên mây". Con đã đặt tấm ảnh của Ba lên bàn thờ bên cạnh má và Sơn. Ảnh của Sơn trẻ lắm, em ra đi lúc tuổi mười ba!

Khi Ba và Má con chung sống, Ba có một người con trai lớn hơn con vài tuổi. Anh ấy đã cùng con trải quãng đời thơ ấu với nhau, dù là không ruột thịt nhưng anh em con thương nhau lắm, má cũng đùm bọc anh như con đẻ. Lúc thanh niên, anh ấy đã có lúc bị cám dỗ hư hỏng vì phong trào du đãng Sài Gòn thời ấy, hay bỏ nhà lêu lõng. Con còn nhỏ, má lo cho anh dữ lắm, sợ anh bị đói khổ ngoài đường. Mỗi khi ra ngoài đường, con chứng kiến cảnh thanh niên bụi đời đâm chém nhau mà đau xót nghĩ đến anh. Có đêm anh lén về nhà, ba biết được đuổi đi, phải trốn ngoài nhà xe. Con đã lén Ba đem mền gối và bới một tô cơm đầy cho anh. Lúc anh đi lính hải quân, nghe Ba bệnh đào ngũ trốn về thăm, rồi bị quân bắt. Lúc anh ở trong tù con đi gởi cho anh từng gói thuốc lá, thức ăn khô và cả mấy trái ớt anh thèm. Tình anh em đến nay vẫn không phai nhạt, vẫn đầy như bát cơm tình nghĩa ngày nào dù cả hai anh em tóc điểm nhiều sương. Một điều đơn giản anh em con thương nhau vì thâm tình, biết chia xẻ dắt dìu nhau và anh ấy cũng yêu kính Má con như tình con thương Ba. Khi Ba nằm xuống, con không thể về nhưng rất an tâm vì con biết anh con sẽ lo hậu sự cho Ba thật chu đáo.

Hồi con học trung học, mỗi lần ba về thăm đều đến trường đưa đón con. Cha con mình thích nhất ăn bánh mì thịt nguội ở ngoài chợ cũ Sài Gòn. Có lần tình cờ thấy vạt áo dài của con có vết vá Ba đã khóc, thương con gái của Ba vất vả.

Ba ơi, bao nhiêu là kỷ niệm, bao nhiêu thâm tình của nhiều năm đã ghi khắc vào tim con. Mặc dù có những lúc con giận Ba vì con về Việt Nam hai lần để thăm Ba. Ba mừng lắm lặn lội từ Ban Mê Thuộc vào Sài Gòn, được vài ngày lại đòi về. Lần cuối cùng, con nhớ những giọt nước mắt của Ba khi chia tay, con không biết đó là những giọt nước mắt sau cùng vĩnh biệt!

Ba còn nhớ không, có lần con vượt hàng ngàn cây số để lên Ban Mê Thuộc vì lời nhắn Ba đau nặng trăn trối muốn gặp con. Từ nhỏ tới lớn, con chưa hề đi xa một mình như vậy, lại chưa biết đường. Ra đến bến xe, con bị cảm lạnh mắc mưa nên chịu khổ sở suốt cả đoạn đường dài. Thời ấy đi xe cực lắm, cứ ph?i ngừng chặng khám xét lên xuống liên tục, thân gái dặm trường. Cuối cùng, con cũng đến nơi sau 2 ngày 1 đêm lăn lóc. Xuống xe đò con không còn sức nữa, phần trời sắp tối lại lạ đường, nhà Ba ở đâu con không biết. Con như con chim non lạc tổ, trong lòng lại lo lắng không biết Ba ra sao, có còn chờ gặp con hay đã an giấc rồi. Cuối cùng con cũng đón được xe và yên tâm đưa địa chỉ của Ba cho người phụ xe. Khi con đến nhà, nghe được tiếng dì Út la "Ông ơi con bé Tư nó lên". Bao nhiêu băn khoăn lo lắng được trút hết, con chỉ kêu được tiếng “Ba” rồi thiếp đi. Lên thăm Ba bệnh mà con nằm vùi hết mấy ngày để Ba phải săn sóc cho con, rồi không nỡ để con về lại một mình nên cùng về với con. Lần đầu tiên, hiểu được cảnh xe đò hư phải ngủ đêm ngoài đường. Ba nhường cho con ngủ trên băng xe, còn ba thì nằm dưới lòng đường. Con ngủ không được, thương Ba ghê. Con đã lần xuống xếp mấy cái áo để kê đầu cho Ba. May mà có Ba nếu không con sẽ bơ vơ và sợ hãi biết dường nào!

Bây giờ Ba ở một nơi thật xa, thật xa! Con không còn được gặp Ba nữa. Dù con có vượt đường xa vạn dặm Sài Gòn – Ban Mê Thuộc hay băng đại dương để về lại quê nhà, cha con mình cũng không còn được gặp nhau. Con không còn có cơ hội để hờn giận Ba, không còn được nghe Ba kể chuyện, Ba có lối kể chuyện thật hay, thật vui, ai nghe cũng phải cười bò.

Con ngồi đây thắp một nén hương lòng tưởng nhớ đến một người cha, đã cho con biết bao thâm tình, đã dìu dắt con suốt một đoạn đời dài bằng thật sự tấm lòng, bằng thật sự thâm tình của một người cha. Hai tiếng "cha ghẻ" mà người đời vẫn gán cho nhiều nghĩa xấu xa, với con nó thật đẹp, thật đầy ân tình dưỡng dục. Ba ơi! Con sẽ về lại quê nhà, con sẽ đến thăm Ba, con vẫn còn nợ Ba một cánh hoa yêu, và muôn ngàn giọt lệ tình thâm.

Virginia mùa Vu Lan 2002
Viết cho ba tôi người kế phụ dễ thương!
"Ông Mười Sói" Vua Xe Hơi thời ấy

Nhà bảo trợ của chúng tôi DURAMAX

Trang web được thiết kế bởi MQ Services

 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002