Đại Chúng số 104 - Ngày 16 tháng 8 năm 2002

Duramax

NHỮNG LOÀI HOA DẠI

Thinh Quang

(tiếp theo kỳ trước)

Ông Vương không bàn thẳng ngay về văn học mà vẫn xoay quanh vấn đề hội họa.

- Như ông Trương thấy nghệ thuật trang trí hoa văn trên các đồ gốm màu... hoặc trên nghệ thuật chạm khắc đồ đồng của thời xa xưa như pho tượng tạc này...

Ông đứng lên cầm pho tượng bằng đồng đen để trên tủ chén đóng bằng gỗ sơn vàng, đem đến trước mặt Trương chỉ hình một vũ nữ đứng trên một sân khấu đang vũ lượn.

- Thật tuyệt vời... Các đường nét điêu khắc này người nay cũng khó lòng có ai sánh được! Đó là chưa nói đến hàng bao nhiêu pho tượng Phật được điêu khắc bằng đá, có thể nói đó là những pho tượng Phật khổng lồ cao đến cả 36 thước Tây như pho tượng ở Đôn Hoàng, Cam Túc hoặc tại Vân Cương, Sơn Tây, Long Môn Hà Nam... Ông cũng nhắc đến pho tượng đức Phật Di Lặc đang ngồi tĩnh tọa cao đến 71 thước ở vùng núi Lạc Sơn...

Ông Vương lại thao thao bất tuyệt nghệ thuật vẽ tranh gắn bó với nghệ thuật viết chữ tượng hình về nguồn gốc của nó từ chữ khắc trên mai rùa v.v...

- Ông Trương ơi! nếu bàn về tranh vẽ thì chẳng biết bao giờ mới hết... Bàn về nghệ thuật viết chữ và vẽ tranh ảnh của nền hội họa xa xưa Trung Hoa như việc sử dụng cây bút lông, khó lòng mà phân biệt bút viết với bút vẽ được, trong lúc ta có thể nhận được dễ dàng đối với người Tây phương!

Ông Vương lại nói đến bút lông thỏ, lông dê hay lông nai... luôn cả thân bút của nó:

- Ấy thế mà khi người họa sĩ tài ba cầm nó chấm phá thì thật thiên biến vạn hóa, muôn hình vạn trạng, càng nhìn càng thấy nó thanh thoát, tinh vi đến độ chẳng những người họa đã xuất thần mà luôn cả người chiêm ngưởng cũng ngơ ngẩn chẳng biết mình đang sống thực hay đang nằm mộng?!

Ông Vương hết bàn về nghệ thuật vẽ tranh lại mang ra bình luận về những bài thơ hay của thời cổ đại như bài trăm câu của xứ sở Ấn Độ.

- Tôi thích nhất bài Vầng Mây Sứ Giả - một thiên đoản ca đã gây nên một ấn tượng hoàn mỹ cho người đọc. Tôi nghĩ ông Trương cũng từng đọc qua áng thơ bất hủ này. Nhà văn nhà thơ nào lại chẳng đọc bài đoản thi Vầng Mây Sứ Giả - một bài thơ tuyệt cú như vậy?!

Ông Vương đưa Trương từ sự kinh ngạc này đến sự kinh ngạc khác.

- Vương tiên sinh quả có một kiến thức rộng rãi, tôi khó lòng sánh được. Vâng. Tôi có đọc qua...

Tiếng cười đùa giữa bé Thu Lan và Lệ Hoa từ trên lầu vọng xuống, khiến bà Vương cảm thấy vui lây. Nghe chồng nói đến bài thơ Vầng Mây Sứ Giả, bà cũng nhắc đến Yaksha tức là nhân Thần sống trong thành phố Thiên thần Alaka ở Hymalaga bị thần Kubera lưu đày tới vùng núi Ramagivu... phải xa cách người vợ xinh đẹp của mình khiến vị thần này phải đau đớn khôn cùng...

Ông Vương cười, nhìn Trương vui vẻ nói:

- Bà nhà tôi thích bài thơ này lắm. Đó là bài thơ gần như câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ của ta...

Trương cảm thấy tim mình như bị nhói lên.

Lệ Hằng đang ngồi bên mẹ, có thể về tinh thần hứng khởi đã giúp nàng mạnh dạn không còn rụt rè sợ hãi nữa, nàng hỏi mẹ:

- Có phải câu chuyện vị thần bị cách xa vợ này, có một hôm vào đầu mùa mưa Yaksha bỗng nhìn thấy một đám mây đang bay lơ lửng về phía Bắc... khiến vị thần cảm thấy lòng mình lâng lên một nỗi buồn da diết mà làm áng thơ bất hủ đó nói lên niềm thương nỗi nhớ của mình gửi về cho người vợ đang vò võ ngày đêm mỏi mòn trông đợi chồng về !...

Chẳng những bà Vương ngạc nhiên mà luôn cả ông Vương cũng giương mắt nhìn con gái:

- Hằng của me hôm nay tài tình quá! Đúng như vậy. Toàn bộ bài thơ của này nói lên tâm tư của Yaksha giải bày với đám mây nỗi đoạn trường của mình.

- Chẳng biết tác giả của bài đoản ca này là ai, ông Trương có nhớ không? - Hằng bỗng quay về phía Trương hỏi.

Trương lúng túng. Quả thực chàng có nghe đến bài thơ bất hủ này, song nhất thời bị hỏi nên không kịp nhớ để đáp lại. Ông Vương cười lớn:

- Ai lại chẳng biết nhà thơ thiên tài Kalidasa... người có công nâng thể loại trường ca trong nền văn học Ấn Độ lên đến tột đỉnh.

Có tiếng Lệ Hoa từ trên gác gọi mẹ và chị:

- Me ơi, me với chị Lệ Hằng lên nghe bé Thu Lan hát bài dân ca

Mông Cổ... Bé hát hay lắm.

Cả bà Vương lẫn Hằng cùng đưa nhau bước lên thang gác để mặc ông Vương tiếp khách. Sau một giây phút chần chừ, ông Vương chợt hỏi:

- Ông Trương nè!

Nhưng chỉ mới lên tiếng gọi như vậy, bỗng ông ta ngưng lại, khiến Trương hỏi lại:

- Hình như Vương tiên sinh muốn nói điều gì thì phải?

- Ông Trương cảm thấy ở trang trại đó có thoải mái không?

- Vâng.. Có... thưa có... tốt lắm, thưa tiên sinh!

- Ông Trương nếu xét thấy có điều gì khiến phải thắc mắc, xin cứ thành thật bảo cho nhau.

- Tình trạng ăn ở trất tốt đẹp, chẳng có điều gì phải thắc mắc cả, thưa Vương tiên sinh!

Ông có vẻ suy nghĩ, đoạn giây lâu sau ông ta lên tiếng nói tiếp:

- Thế thì tốt lắm. Tuy nhiên ông Trương nên nhớ là nơi tiểu địa này thường lấy chuyện thị phi làm điều thích thú... Nếu ông Trương có nghe có lời lẽ dị nghị nào cũng không nên quan tâm làm gì thêm mệt trí.

- Thưa Vương tiên sinh, cứ an lòng. Tôi biết nhiều về những địa phương nỏ bé... Nơi nào vắng trò giải trí cho công cọng, ắt nơi đó lắm lời dị nghị..Họ muốn được xem đủ các loại tuồng tích, nhất là tuồng của mỗi một gia đình!

Ông Vương hơi nhíu mày, bỗng dưng mỉm cười nắm tay Trương:

_ Thật ra, giữa chỗ ông Trương đã trở nên chỗ thân tình nên muốn thố lộ ra một câu chuyện mà tôi nghĩ ông Trương cần phải biết đến.

Ông Vương vừa mở miệng nói thì có tiếng của bà Vương cùng hai chị em Lệ Hằng với bé Thu Lan từ trên gác xuống:

- Ba sắp nó ơi! Nghe bé gái của ông Trương hát mấy bài trong Kinh Thi, thật con nhà tông không giống lông cũng giống cánh.

Lệ Hoa vừa đến bậc thang chót, đã vội giục ngay con bé:

- Thu Lan hát lên cho ông bà... ngoại nghe cái con thư cưu gì đó đi...

Không đợi nhắc đến lần thứ hai, con bé cất cao giọng hát:

"Quan quan thư cưu,

Tả hữu lưu chi.

Tại hà chi châu.

Yểu điệu thục nữ,

Quân tử hảo cầu."

(Quan quan cái con thư cưu

Con sống con mái cùng nhau bãi ngoài.

Dịu dàng thục nữ như ai,

Sánh cùng quân tứ tốt đôi vợ chồng."

Tản Đà dịch

Con bé quen miệng, sẵn hát tiếp luôn bài mà ngày mẹ nó chưa bỏ ra đã dạy nó:

"Sâm si hạnh thái,

Tả hữu lưu chi.

Yểu điệu thục nữ,

Ngu mỵ cầu chi."

(So le rau hạnh lơ thơ,

Hái theo dòng nước ven bờ đôi bên

U nhan thục nữ chính chuyên

Nhớ khi thức ngủ triền miên chẳng rời.)

Tạ Quang Phát dich

Ông Vương khen lấy khen để:

- Tôi nghĩ là ông Trương đã dạy nó các bài lấy ra trong Kinh Thi như thế...

- Không, chẳng phải tôi, mà là mẹ nó...

Đã đã về khuya, bé Thu Lan bắt đ?u ngáp dài. Bà Vương lên tiếng nhắc nhở:

- Bé đã buồn ngủ rồi! Ông Trương có thể đưa cháu về. Hôm nào rổi rảnh chúng ta lại tiếp tục thêm cuộc vui như thế này...

Ông bà Vương cùng Lệ Hoa theo tiễn chân Trương cùng bé ra tận cổng. Bà Vương vốn là người chu đáo, bà đã âm thầm mang sẵn đèn bấm theo, mãi đến khi ra đến tận ngỏ mới trao cho Trương:

- Ông Trương có thể mang cây đèn bấm này đi đường đề phòng có những chỗ hủng hiu nơi bờ đê ruộng tránh bị vấp phải.

- Vâng, cám ơn bà... thật chu đáo. Nhưng được cái là đêm nay có trăng, tôi nghĩ không đến nổi nào...

Bước ra khỏi khu vườn nhà ông Vương, Trương bế con lên rảo bước đi, nhưng con bé còn lưu luyến cả Lệ Hoa nên tay thì đưa cao lên vẩy vẩy còn miệng cứ liên tiếp "bái bai"cho mãi đến khi qua khỏi khúc quanh của bờ tường mới chịu úp mặt lên vai cha lim dim mắt ngủ...

Không hiểu sao lòng Trương cảm thấy một nỗi buồn vơ vẩn dâng lên. Chàng cảm thấy như thiếu thốn điều gì sau khi rời khỏi cỗng nhà ông Vương. Có thể là thiếu vắng đôi mắt u buồn và thơ mộng chẳng khác nào như mặt nước hồ thu ấy không cùng ông bà Vương tiễn đưa mình ra cổng...

- Ôi! đôi mắt như mùa thu mới sang... sao mà đẹp và sầu mộng lắm vậy!

(còn tiếp)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002