Đại Chúng số 104 - Ngày 16 tháng 8 năm 2002

Duramax

NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG
(Chủ đề Tấm lòng tốt tại VN)

Do Ký Điệu ghi lại

Ký Điệu vừa nhận được vài số báo từ Saigon do một người quen đem sang. Có nhiều phần trong báo này đọc rất xúc động về tình nghĩa con người xảy ra tại xứ Xã Hội Cộng Sản VN mà Ký Điệu rất ít nghe thấy. Tờ báo này gồm có: Tuổi Trẻ, SGGP, Lao Động, Saigon Tin Nhanh vv..vv... Nay Ký Điệu ghi lại vài mẫu chuyện nhỏ cho các bạn xem. Tất cả là những người nghèo trong xã hội hiện nay, đúng là lá lành đùm lá rách.

1.- Người thầy của học trò khuyết tật:

Bán đất, tài sản lớn nhất mà cha mẹ để lại, rủ bạn bè lập công ty rồi đưa các em khuyết tật vào dạy nghề, chạy hàng cho các em gia công kiếm sống... là những việc mà người lành lặn hiếm khi làm được. Nhưng với Phạm Ngọc Anh, đó là nỗi lòng, là ước mơ từ thuở bé.

Sinh năm1970, Ngọc Anh là con cả trong một gia đình ở xã Thọ Nghiệp, huyện Xuân Thủy, Nam Định. Lên 3 tuổi, sau một cơn sốt giật, Ngọc Anh bị liệt cả hai chân. Từ đó, phải dùng hai bàn tay để di chuyển, nhưng anh chẳng nề hà bất cứ công việc nào, kể cả đi học. Qua hết các cấp với thành tích xuất sắc ở hầu hết các năm, anh thi và trúng tuyển ĐH Mỹ thuật Hà Nội, tốt nghiệp năm 1992. Tuy nhiên, ước vọng của chàng trai tật nguyền này vẫn là xây dựng một ngôi trường, một công ty cho những người khuyết tật tự học tập, lao động, nuôi sống nhau.

Để học thêm kinh nghiệm quản lý và kinh doanh, anh xin một chân trực điện thoại cho Công ty Đào tạo và ứng dụng tin học ITAC - Hội Tin học Việt Nam. Những lúc rảnh, anh thường đến làng SOS, Trung tâm dạy nghề nhân đạo cho trẻ khuyết tật ở các tỉnh phía bắc để học hỏi thêm cách thức quản lý, tổ chức, áp dụng với đối tượng đặc biệt này, kể cả cách ứng phó mỗi khi bệnh tình của họ tái phát.

Đầu năm 2000, anh bán phần đất bố mẹ chia, rủ thêm 4 người lên Hà Nội lập Công ty Cổ phần phát triển việc làm và hỗ trợ người khuyết tật. Cơ sở này đặt tại F361 tập thể An Dương, quận Tây Hồ, rộng 200 m2. Trong đó, anh bố trí một phòng học vẽ, một phòng học may, một phòng khách, còn lại là các phòng ngủ và bếp. Gần 70 em khuyết tật được anh đưa đến đây học, phần lớn là con em bộ đội bị nhiễm chất độc da cam, một số bị khuyết tật bẩm sinh, gia đình khó khăn, không nơi nương tựa.

Các trò nhỏ thường xuyên đau ốm, anh lại là người hộ lý tận tâm. Ngoài việc kiếm mối hàng cho các em gia công, anh còn là thầy giáo của lớp vẽ. Đến nay, anh đã đào tạo nghề may cho gần 60 trẻ khuyết tật, có em thu nhập 400.000 đồng/tháng. Công ty của anh đã mở thêm chi nhánh ở Đông Ngạc, Từ Liêm (Hà Nội). Ở cơ sở này chỉ có 40% là trẻ khuyết tật, còn lại là có bố mẹ mắc bệnh phong. Các em được dạy nghề và bố trí việc làm ngay tại công ty.

Bận rộn với công việc hàng ngày, Ngọc Anh hầu như chẳng có thời gian để lo chuyện riêng cho mình. Anh tâm sự, chưa nghĩ đến gia đình riêng mà muốn làm được điều to tát hơn, xây dựng một gia đình lớn cho những người khuyết tật, ở đó các em biết sống, biết yêu thương và đùm bọc nhau.(Ghi chú riêng của Ký Điệu: bệnh phong đây là phong cùi

2.- Cô bé tật nguyền hiếu thảo:

Trần Thị Ngọc Diệp nhà ở xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP HCM. Năm học tới, em sẽ lên lớp 11. Với người khác, được đi học có thể rất bình thường, nhưng với em thì là cả một niềm vui sướng bởi cơn sốt bại liệt đã khiến em phải "chung sống" với cây nạng gỗ từ năm lên 2.

Ba Diệp là thương binh hạng 3/4, mảnh đạn còn trong phổi luôn làm ông khó thở. Bệnh tật triền miên nhưng những hôm khỏe mạnh, ông lại tranh thủ đạp xe đưa Diệp đến trường, không thì cô gái nhỏ tự chống nạng đi gần 3 km. Khó khăn lúc nào cũng có nhưng chẳng bao giờ Diệp nản lòng. Sau giờ học, em còn tranh thủ kết những miếng cao su vụn thành tấm để mẹ đi bán, có hôm làm đến gần sáng.

Mùa hè với cô bé tật nguyền là những ngày tận lực làm việc. Mỗi ngày Diệp và các em khâu được 10 đến 20 tấm cao su. Ở trường tổ chức học thêm nhưng mấy chị em không tham gia để tiết kiệm một khoản chi phí. Vậy mà cả 4 anh chị em đều là trò giỏi. Anh trai Diệp hiện là sinh viên ĐH Khoa học Xã hội & Nhân văn TP HCM; em kế Diệp học lớp 8, bé út lớp 6, đều là học sinh khá giỏi của trường.

Nói về mùa hè, Diệp lạc quan "Em chỉ muốn ngày kéo dài ra để làm thật nhiều hàng, dành dụm tiền chuẩn bị cho năm học mới".

3.- Trái tim "cô mụ" H'Nơn (GiaLai):

Năm 14 tuổi, H'Nơn được chọn đi học nữ hộ sinh, 16 tuổi đã rong ruổi khắp các buôn làng để khám phụ khoa cho bà con dân tộc Ba Na, Gia Rai. H'Nơn đã giúp dân làng nhìn ra cái lợi khi sinh con ở trạm xá, trở thành "cô mụ" mát tay, được tín nhiệm nhất xã Glar, huyện Đăk Đoa, tỉnh Gia Lai.

Chỉ sau 2 năm học đỡ đẻ trên tỉnh, cô về lại buôn làng và làm việc luôn ở Trung tâm Y tế xã. Ở huyện Đăk Đoa, đồng bào chỉ thích cô đỡ đẻ vì có kinh nghiệm, biết cách gần gũi bệnh nhân. Ông Nguyễn Văn Chính, Phó giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đăk Đoa, cho hay chồng H'Nơn chính là Trưởng trạm y tế xã, luôn cứu giúp bệnh nhân hết mình.

Những ngày mới đi làm, chưa được nhận lương, bộ đồ nghề của cô mụ chỉ có một cái kéo và một cái panh. Một mình cô đi khắp nơi xin được khám cho các sản phụ để lấy kinh nghiệm thực tế. Đến nay, vợ chồng H'Nơn - Blưm đã dựng được một căn nhà nhỏ gần trung tâm y tế, để bệnh nhân có thể gọi giúp cả ban đêm. Họ có một bé trai tên Nay Thuật, nhưng trong nhà còn có 3 em nhỏ nữa. Chúng đều là những đứa trẻ côi cút, bệnh tật được họ đưa về chăm nom. Ngoài việc khám bệnh, hai vợ chồng còn phải làm rẫy, nuôi lợn, gà để có thêm miếng ăn. Vậy mà mỗi lần đi vào các buôn xa xôi, thấy ai nghèo khó hơn mình, H'Nơn lại về nhà lấy gạo đem cho họ.

Hiện giờ, Blưm đang học Đại học Y tại Huế để nâng cao chuyên môn. Một mình H'Nơn ở nhà vẫn vui vẻ vừa làm việc, vừa chăm các con và chu cấp thêm cho chồng đi học xa.

4.- Những đứa trẻ “tẩm quất” trên bãi biển Sầm Sơn:

Tóc vàng hoe, da cháy nắng và lúc nào cũng ôm theo một manh chiếu, đó là chân dung các chú bé hành nghề tẩm quất, cả ngày lang thang trên bãi biển với tiếng rao "Quất... đ..ê...". Với bọn trẻ lớn lên từ biển này, mưa, nắng, gió, cát, mỏi mệt chẳng sá gì, chỉ sợ khách nghi ngờ, cảnh giác.

Buồn nhất là khi bị khách xúc phạm đến danh dự và xua đuổi. "Nghèo thì nghèo thật nhưng bọn em chỉ kiếm những đồng tiền lương thiện thôi", cả Hùng, Hoàng, Huy, Tùng... đều khẳng định như vậy.

Hè về, Nguyễn Văn Hùng 14 tuổi và một số bạn bè lại xếp sách vở sang một bên, bận rộn với mùa làm ăn mới. Cậu cho biết "Khi còn bán kẹo cao su, em đã học mót mấy bài tẩm quất của các anh. Hè này, em xin bố mẹ chuyển nghề vì tẩm quất dễ kiếm tiền hơn". Nhà Hùng có 7 người, đều sống bằng nghề chài lưới nên rất vất vả. Đến mùa du lịch, bố và anh đạp xích lô; mẹ, chị gái đi chụp ảnh; hai em nhỏ bán kẹo cao su và bánh đa; còn Hùng đi tẩm quất.

Hoàng "lùn" nổi tiếng nhất trong hàng trăm đứa trẻ ở đây. Mới 16 tuổi, cao xấp xỉ 1 m, nhưng cậu đã có thâm niên 8 năm trong nghề. Bố lấy vợ hai, mẹ kéo lưới thuê không đủ ăn, em nghỉ học từ lớp 5 để kiếm sống. Em từng trải qua các công việc nhặt ve chai, bán bánh đa, kéo lưới và hiện dừng lại ở nghề tẩm quất. Những bài học vỡ lòng như kiến bò, cò mổ, nhổ bão đến bài khó hơn là cào cào đá móc, cóc nhảy song phi, ngựa phi nước đại, vác cày qua núi..., Hoàng đều thuộc lòng. Đến giờ, cậu có thể sống được với nghề vì khách đã dính vào Hoàng thì nghiện luôn, trung bình mỗi ngày em kiếm được 50.000 đồng. Cậu ra vẻ già dặn “Mời được khách nằm xuống chiếu, rao mỏi miệng thôi chưa đủ. Phải biết nịnh khách và khuyến mãi bằng vài đường cơ bản. Khách gầy thì không sao, chứ gặp mấy bác bụng to thì toát mồ hôi".

Khác với Hoàng, Lương Văn Tùng, 8 năm liền là học sinh xuất sắc Trường THCS Trường Sơn, tâm sự "Bố mẹ không muốn nhưng em vẫn đi làm để có tiền đóng học. Nghề này chẳng cần nhiều vốn, lại dễ học nên đứa nào trong lớp em cũng ham".

Các cậu bé này làm ăn khá bài bản, tùy theo "tiểu quất" hay "đại quất" mà ra giá. Nếu cạo gió, bão đầu thì nhanh và giá rất mềm, chỉ 2-5 nghìn đồng. Đánh cóbài thì mất tới 40 phút, giá dao động từ 10 đến 25 nghìn đồng. Nghề này, theo kinh nghiệm của Tùng, "ăn" nhất là vào buổi sáng và tối. Do đó, bọn trẻ phải dậy từ rất sớm, có khi đi từ bình minh đến 1-2h sáng hôm sau mới về, mệt thì ngủ luôn ngoài biển.

5.- Ông già mê sách:

Tại nhà sách cũ "Nhân Đạo thư quán", 45 Nguyễn Trường Tộ, thành phố Vũng Tàu, những dãy sách, tạp chí nhiều đến mức chính ông chủ cũng không thể nhớ hết, khoảng nửa triệu quyển xếp kín cả hai gian nhà liền nhau dài mấy chục mét. Đó là tài sản quý báu của ông Nguyễn Hồng Sanh ở TP Vũng Tàu.

Ngoài những chồng sách để kinh doanh, sau nhà ông còn có những dãy sách chỉ dành cho riêng ông và bạn bè tri kỷ. Chúng là tất cả những gì ông sưu tầm được trong suốt đời mình, và đang đầy thêm bởi những đồng tiền ông dành dụm từ việc bán sách cũ bên ngoài.

Ở đây có những cuốn sách kim cổ mà không phải nhà sách nào cũng có. Ngay ở gần cuối phòng, cuốn Miscellanées của Trương Vĩnh Ký in năm 1888 tại Sài Gòn có bìa giấy đã sờn nhưng vẫn còn đầy đủ từng trang. Rồi cuốn Souverains et notabilités d'Indochine của Phủ toàn quyền Đông Dương in năm 1943, cuốn Vade mecum de l'instituteur au Tonkin in tại Nam Định năm 1925... Có những tập tạp chí tuổi đã đến gần thế kỷ như Nam Phong. Đặc biệt, ông còn tỉ mỉ chép lại từng trang sách mà mình yêu thích rồi đóng thành cuốn. Ông Sanh nói "Thấy quyển nào trúng ý, mê quá mà không mua, không xin nổi thì nài nỉ mượn về nhà chép lại. Mà có khi chép cũng phải lén lút, không dám cho họ biết, bởi nhiều chủ sách khó tính cho vậy cũng là ăn cắp...".

Cái thú đam mê sách từ thuở nhỏ đeo đuổi đến mức ông Sanh thường phải vay mư?n tiền của bạn bè để mua sách trước rồi lãnh lương trả sau. Nhiều bận biết tin ở Sài Gòn có mấy cuốn sách hay đang đêm ông cũng lên xe đạp mải miết đến tận nơi rồi ngồi ngoài đường đợi trời sáng để lùng mua cho bằng được.

Ngoài sưu tầm sách ông còn say sưa soạn các tuồng cổ như Người đẹp ý Yên, Nhị Khanh hiền phụ, Sấm động thiên trường với tất cả niềm đam mê của một thời thơ ấu ở xóm quê nghèo khó nhưng luôn thấm đẫm chất tài tử lãng mạn. Nhiều tuồng ông chỉ soạn trong vòng chưa đầy nửa tháng. Tổng cộng 37 vở tuồng của ông ra đời, với các bút danh Nguyễn Bá Cường, Nguyễn Hồng Sanh... Nhuận bút được bao nhiêu ông lại dành dụm hết để mua sách, và đến khoảng đầu những năm 1970 tủ sách của ông đã đầy lên một cách đáng kể... Ông kể, có cả những nhà văn từ tận Hà Nội, TP HCM, Đồng Nai... đến tìm tài liệu trong kho sách của ông. Gặp những người thật sự mê sách và cần sách, ông sẵn sàng cho mượn, thậm chí tặng luôn.

6.- Cậu bé bắt cua học giỏi:

Với Trần Minh Trung, mùa xuân không phải là dịp vui chơi như các bạn mà là mùa đi bắt cua đồng kiếm tiền phụ gia đình. Những lúc khác, Trung chuyển sang bắt còng hoặc theo ba đi làm thuê. Em cũng là cậu học trò xuất sắc của lớp 5B trường tiểu học Hiệp Phước I, huyện Nhà Bè, TP HCM.

Ngoài căn nhà bà ngoại cho, ba mẹ Trung không còn tài sản nào đáng giá, phải đi làm mướn, sống qua ngày. Ba cậu còn suy nhược sức khỏe, có lúc đang cuốc đất lại ngã ra, lăn lộn vì đau bao tử. Bốn chị em Trung hiện cùng học lớp 5 dù chị hai cách em út đến 7 tuổi.

Suốt 5 năm học, cậu bé vừa đến lớp, vừa dò dẫm dọc bờ sông bắt cua, còng và rút ra khá nhiều kinh nghiệm: không thò tay vào hang cua mà thay bằng cây sắt, nhìn bóng mình trên triền sông để canh giờ đến trường... Giờ thì "chuyên gia bắt cua" có thể kiếm được mỗi ngày hơn 10.000 đồng.

Làm ra tiền nhưng Trung rất tiết kiệm. Em không bỏ lỡ những lần cắt tóc miễn phí tại trường, tranh thủ học bài ban ngày để đỡ tốn dầu đốt đèn, nhặt những cây bút các bạn đã bỏ, chế biến lại để dùng. Nhà Bè hiếm nước ngọt, mùa mưa vừa rồi mấy chị em thay nhau hứng không sót giọt nào mang đi bán, theo ý tưởng của Trung. Mỗi thùng chỉ 2.000-3.000 đồng, lại phải đạp xe chở 3-4 km mới bán được, nhưng họ rất vui vì đã có tiền sửa xe đạp khi vào năm học mới.

Bốn năm đi học, cậu nhỏ hiếu thảo này luôn giành danh hiệu Học sinh xuất sắc và còn là học sinh duy nhất của trường được chọn dự thi Học sinh giỏi thành phố vào cuối tháng 3.

7.- Người mẹ âm thầm của trẻ tật nguyền:

Trong lúc nhiều gia đình xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội có con em bị tàn tật tỏ ra chán nản, thờ ơ, chị Đỗ Thị Kiên đã đón các em về chăm sóc, giúp chúng học hành và phục hồi chức năng vận động.

Những ngày đầu, năm 1990, chị đến từng nhà, động viên từ cha mẹ đến các em nhỏ. Lớp học đầu tiên có 18 học trò, mở ngay tại gian nhà chưa đầy 20 m2 của chị. Sau một thời gian ngắn, nơi chị làm việc, Công ty Thực phẩm Đông Anh, bị giải thể; gia đình lâm vào cảnh khó khăn. Cả hai vợ chồng đều có thu nhập thấp, nhưng anh luôn ủng hộ chị nên khát vọng mang niềm vui đến cho các cháu của chị vẫn được thực hiện.

Dần dần, lớp học tình thương của cô giáo Kiên nhận thêm nhiều sự ủng hộ từ người dân địa phương. Xã cho mượn nhà kho làm nơi dạy học. Bàn ghế và bảng do trường tiểu học xã tài trợ. Các cháu nhỏ được khám sức khỏe định kỳ. Bản thân chị được tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng giáo viên dạy trẻ khuyết tật. Mỗi tháng được xã động viên 100.000 đồng, chị Kiên mua sách vở, bút mực tặng các em. Không ít những trường hợp dở khóc, dở cười xảy ra, khiến chị càng thương yêu và gắn bó với các em hơn. Đặc biệt là lúc có em lên cơn bất chợt, vớ được gì là ném, đập vào cô giáo và các bạn chung quanh. Vì vậy, đồ dùng giảng dạy đều được chị thiết kế bằng xốp hoặc nhựa.

Ngoài việc dạy chữ, cô giáo còn giúp nhiều em học may, tìm việc làm để không trở thành gánh nặng của gia đình. Trong số đó có Nguyễn Thị Ngoan (xóm Mít) hiện là công nhân xí nghiệp May 10, Nguyễn Thị Cúc, Nguyễn Tiến Anh đang làm tại hợp tác xã nhuộm Sông Long (Hà Nội).

8.- Ông của những đứa trẻ nghèo:

Nhìn ông Tư, tuổi đã chừng 70, tay cầm nạng gỗ khập khễnh nhảy theo điệu nhạc cùng các em nhỏ và diễn những tiểu phẩm tự sáng tác, ai nấy đều xúc động. Căn nhà của ông ở 313 Hòa Hảo, phường 4 quận 10, TP HCM lúc nào cũng rộn ràng tiếng đọc bài, kể chuyện, tập hát...

Ông tên thật là Vương Văn Nô, thương binh 1/4. Sống trong xóm lao động, hằng ngày nhìn những đứa trẻ nghèo lang thang lượm nilon, bán vé số, ông không cầm được lòng thương và đã đến với chúng bằng sự cảm thông.

Quên đi nỗi đau bệnh tật, ông tìm cách gom bọn trẻ về nhà dạy học, kể chuyện, vui chơi... để chúng không còn bị bỏ rơi. Em Lê Văn Dũng, cha bị liệt, mẹ mua bán ve chai, không có điều kiện đi học. Ngày nào ông cũng đến nhà động viên, mua tặng sách vở để em đến lớp tình thương. Dũng còn được ông giới thiệu đi học sửa xe máy để có thể tự tạo dựng cuộc sống cho mình. Chị Phạm Ngọc Hiền, người trong phố, nói vui "Từ ngày có bác Nô, đám trẻ không còn quậy phá, gặp người lớn đã biết khoanh tay chào". Câu lạc bộ "Ông bà cháu" do bác Nô làm nhóm trưởng, hoạt động khá sôi nổi với hơn 15 thành viên cao tuổi và gần 100 cháu nhỏ.

Chiếc chân giả cứng đờ, vết tích của chiến tranh, đã trở thành thân quen với bọn trẻ. Mỗi khi trở trời, chân đau buốt nhưng dường như cảm giác đó không làm ông khó chịu nữa. Ông xúc động tâm sự “Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, giờ không có nỗi đau nào bằng phải nhìn trẻ em nghèo không được học hành. Tôi không thể nào ngồi yên như vậy được".

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002