Đại Chúng số 101 - Ngày 1 tháng 7 năm 2002

Duramax

NHỮNG LOÀI HOA DẠI

Thinh Quang

(tiếp theo)

Ông vừa nói vừa láy mắt như ngầm bảo con gái không được hỏi bâng quơ đời tư của Trương nữa. Hằng nghi ngờ ngay là Trương có điều gì không tiện thố lộ nên cha mình ngăn chặn lại. Nàng sực nhớ lại là mới đây Lệ Hoa cũng bị cha chận ngang lại như vậy. Biết mình lỡ lời, Hằng đưa mắt nhìn Trương ngầm xin lỗi.

Trương cảm thấy từ ngày Cúc Hoa bỏ ra đi trong đời sống của mình như phạm phải điều tội lỗi khó lòng mà tha thứ được! Vì vậy mà mỗi lần có người nhắc đến Trương cảm thấy lòng mình không được vui! Nhất là hôm nay đối với hai cô gái mới bắt đầu quen biết với mình làm sao hiểu được nỗi đau khổ của mình khi bị Cúc Hoa phũ phàng như vậy?! Lỗi lầm đó đâu phải do mình tạo nên ! Giải thích ư?Đâu có phải chỉ một sớm một chiều? Và giải thích làm sao nếu có cơ hội? Trương thở dài. Chàng không nở nói lên sự thật, một sự thật phũ phàng như vậy!

Tuy không biết rõ hoàn cảnh hiện tại của Trương song Lệ Hằng cũng đoán được phần nào nỗi trái ngang của người đàn ông mà đêm qua nàng gặp trên đường về trang trại và cũng là người đàn ông có đứa con xinh xắn này đang ngồi bên cạnh mình! Nàng phóng mắt một lần nữa về phía Trương nhưng vội cúi ngay xuống khi gặp phải luồng nhãn quan của chàng cũng vừa phóng lại.

Vừa lúc đó bà quản gia từ bên trong bước ra mời mọi người sang phòng bên dùng nước... Bà đã giúp cho cả hai thoát khỏi khỏi sự lúng túng. Gian phòng mà chàng được đưa sang để cùng gia đình ông Vương dùng nước sát ngay phòng ăn. Lối trang trí nơi đây có khác hơn phòng khách tuy nhiên ông Vương cũng treo tranh ảnh đủ loại, tranh nào cũng có giá trị đặc biệt và được vẽ theo lối thủy mạc.

Uống xong chung trà, ông Vương mời Trương đi quanh phòng để giới thiệu từng bức tranh được treo trên bốn vách tường.

_ Bức tranh treo này của một họa sĩ lừng danh Ấn Độ.- Ông Vương giới thiệu - Dây là bức tranh vẽ khu hang động Ajanta nằm trên một vùng núi cao... Những chỗ được tô phết với màu sắc sậm đen đó, nhìn kỷ thì đó là các thung lũng tối... Người ta thường gọi đó là khu "Thiên đường khép kín"... Vùng này gồm đến 29 ngôi chùa Phật như ông Trương nhìn thấy. Những đường nét cấu trúc lẫn điêu khắc cũng như hội họa đều theo tinh thần nghệ thuật cổ điển của xứ sở này.

Ông Vương níu tay Trương sang bức tranh khác treo bên kia tường, phía sau tấm bình phong ngăn đôi phòng uống nước gia đình với phòng khách... Bức tranh này lôi cuốn ngay sự chú ý của Trương. Có thể nói là bức tranh mạc họa có giá trị cao về nghệ thuật của trường phái này. Bức tranh vẽ lên cảnh một người vượt biển trên một cành lau nhấp nhô theo lượn sóng nhỏ..

_ Ông Trương chắc hiểu rõ ý nghĩa của bức tranh này chứ?

_ Thưa, tôi thích tranh vẽ song không am tường nhiều về nội dung và ý nghĩa của nó.

_ Nó là bức mạc hoa vẻ cảnh "Vượt Bể Trên Cành Lau". Nguyên là Sư Bồ Đề Đạt Ma sang Trung Hoa truyền Đạo, trụ trì chùa Thiếu Lâm tại núi Sơn. Nơi đây, Ngài truyền dạy cho các đệ từ các phép luyện khí, quán tưởng đến phép Thiền định... Theo truyền thuyết của Phật giáo Thiền tông thì sau 9 năm hoằng dương đạo pháp, Sư Tổ trở về nước bằng phương tiện một cành lau vượt trên sóng cả... Bức tranh này nói lên sự tích như vậy.

Trương không tiếc lời ca tụng về sự hiểu biết rộng của ông Vương:

_ Thành thật bái phục Vương tiên sinh! Quả tình kiến thức của tôi vẫn không thể so bì kịp!

_ Nhà văn khiêm nhường có khác. Tuy ông Trương chưa phát biểu ý tưởng của mình qua các bức tranh treo trên tường, chỉ lắng tai nghe, song tôi biết rằng ông Trương là người sành về hội họa.

Trương cười nhẹ:

_ Vương tiên sinh lấy chứng cớ gì lại khen ngược lại tôi đến như vậy.

_ Không cần phải phát biểu, một ánh mắt không thôi chăm chú nhìn vào từng góc độ của hình ảnh trong tranh, người am tường hội họa có thể nhận chân ngay điều đó...

Và không để cho Trương phản bác lại lời mình vừa phát biểu, ông Vương chỉ sang bức ảnh treo ngay giữa chiếc tủ trà thấp:

_ Tấm hình này chụp lại bức tranh lụa được xem là cổ nhất của Trung Hoa. Tôi nghĩ ông Trương cũng biết giá trị của nó có một niên đại sớm sủa nhất cách đây vào khoảng 2400 năm... Có đúng như vậy không?

_ Vâng. Tôi có đọc qua tài liệu đó. Người ta khai quật được từ trong lòng ngôi cổ mộ nước Sở nằm tại phụ cận phủ Trường Sa thuộc tỉnh Hồ Nam...

_ Quả như vậy. Bức tranh không lớn, như ông đã trông thấy nơi bức ảnh này, vẽ hình ảnh của một người phụ nữ vận y phục đương thời... Ông Trương nhìn thấy đó. Người phụ nữ này vận áo lưng eo, tay thụng, bên dưới vận chiếc váy dài trông thật tha thướt...

Trương sững sờ đặt cả tâm hồn mình vào hình tượng của người đàn bà mà nhà họa sĩ tài ba thời xa xưa đã vẽ lên được những nét thần tình. Người phụ nữ trong tranh đang đứng ở tư thế thẳng nghiêng, hai tay chắp lại khấn bái. Đặc biệt trên đầu của nàng có vẽ hình tượng của con phụng hoàng đang xòe đôi cánh bay, và bên cạnh đó là con quỳ một chân trông hệt như con rắn lửa đang ngóc đầu lên.

_ Ông Trương có tin đó là con rồng không?

_ Hình thù thì giống nhưng chắc gì đó là hình ảnh của một con rồng. Thưa Vương tiên sinh, hình như hai con vật này đang quần nhau thì phải?

_ Có thể là nó đang đấu chiến với nhau. Tuy bức tranh bé nhỏ song nó hàm chứa được ý nghĩa thật cao xa ông Trương ạ!

_ Nó biểu tượng giữa ác và thiện, giữa ước mơ và hiện thực...

Trương cảm thấy người họa sĩ của bức tranh lụa này có một bút pháp vừa điêu luyện vừa chuẩn xác vừa thanh thoát. Cuối cùng chàng thốt lên:

_ Đây đúng là một bức tranh tuyệt diệu có một trình độ điêu luyện siêu việt!

Trong lúc ông Vương cùng Trương chuyện vản nhau về nghệ thuật hội họa, bà Vương thì lo nựng nịu nuông chiều bé Thu Lan, chính tay bà lột cho nó từng múi quít, gọt cho nó từng quả táo, đưa vào mồm nó từ trái nho màu tím sậm... Lệ Hoa thì lúc nào cũng vui vẻ cười đùa nói luôn mồm... khiến buổi tiệc tối chẳng có bao nhiêu người mà Trương cảm thấy vừa vui nhộn vừa thân tình!

Người đàn bà làm quản gia này hiện diện với gia đình ông Vương từ lâu lắm rồi. Bà có thân hình thật tròn trịa nhờ dáng dấp vừa mập vừa lùn. Gương mắt mũng bầu phúng phính trông thật phúc hậu. Đôi môi bà lúc nào cũng nở nụ cười tươi tắn.

Xong cuộc giới thiệu tranh, nhân lúc ông Vương vào phòng trong, Trương nắm ngay cơ hội hỏi Lệ Hằng:

_ Cô Lệ Hằng đã tốt nghiệp Đại học rồi phải không?

Hằng ấm ớ trong miệng mãi trong giây lâu sau mới đáp lại:

_ Vâng... thưa tốt nghiệp xong rồi ạ!

_ Thế cô Hằng còn định tiếp tục học nữa?

Hằng mỉm cười, có vẻ e thẹn, cúi thấp đầu xuống lấy ngón tay khều vào má bé Thu Lan... để đỡ phải trống trải của khoàng tời gian tuy ngắn ngủi song với nàng thì nó lâu la làm sao ấy!

Lệ Hoa có dịp trêu chị:

_ Chị ấy không còn tiếp tục học nữa đâu! Bây giờ chị muốn làm Giám đốc lắm đấy ông anh Trương ơi!

Trương cười hỏi lại:

_ Giám đốc! Có bằng cấp dễ tìm việc làm. Nhưng mà chị ấy dự định giữ chức giám đốc gì mới được chứ!

Lệ Hoa được thể trêu chị:

_ Giám đốc Vườn Trẻ, được chứ?!

Hằng đỏ ửng cả mặt, trong lúc mọi người cười vang cả lên, luôn cả bà quản gia cũng cười nghiêng cười ngửa...

Lúc ông Vương từ trong phòng trở ra lại, trao cho Trương tập sách bàn về văn học nghệ thuật. Hai người bắt đầu đi sâu vào các dữ kiện văn chương từ cổ sơ đến thời tiền chiến... Lệ Hoa thỉnh thoảng cũng tham gia trong cuộc nói chuyện của cha và Trương. Tuy nhiên trong lúc ông Vương cùng Trương bàn chuyện văn học thì Hoa lại xoay qua chuyện cuộc sống riêng tư của chàng hoặc hỏi các loại sách Trương xuất bản, sách nào đặc sắc nhất.

_ Thưa cha, ông Trương quả là một cây bút nổi tiếng đương thời. mấy đứa bạn con đều thích chuyện tình lảng mạn của nhà văn Khải Trương lắm! Chúng nó bảo làm sao mà được diện kiến thì hay biết là bao!

Trương cười:

_ Cô Lệ Hoa thương bảo thế, thật ra tài tôi đâu sánh tày các tác giả khác. Cô nói thế này chắc tôi phải ẩn danh mất! Nhiều lúc tôi ước sao mình biến thành con ốc nhỏ để thu mình nằm trong một cái vỏ sò... không màng tưởng chuyện đời nữa. Tôi chỉ mong có một thế giới như thế... Được vậy sẽ không còn sống trong cảnh bon chen nữa.

_ Nhưng mà chui vào vỏ sò chật lắm, làm sao ông anh chịu nổi...

Lệ Hoa lại chọc cho mọi người một phen cười ngửa nghiêng nữa. Bà Vương vội lên tiếng gọi con gái đến cạnh:

_ Lệ Hoa! Ngồi xuống đây với me! Không được xen vào chuyện người lớn nữa... để ba cùng ông Trương bàn thảo với nhau! Lớn đệch rồi nghiêm trang một chút!

(còn nữa)

Thinh Quang

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002