Đại Chúng số 101 - Ngày 1 tháng 7 năm 2002

Duramax

CON NGƯỜI VÀ VŨ TRỤ

CHUNG QUANH VẤN ĐỀ TẠO SINH VÔ TÍNH VÀ CHẠY ĐUA LÊN KHÔNG GIAN ĐỂ ĐI TÌM SỰ SỐNG NGOÀI ĐỊA CẦU

Hoàng Quyên

TRỞ LẠI VẤN ĐỀ SẢN SINH VÔ TÍNH

Các khoa học gia tại viện Đại Học UC Davis đã làm lung lạc luật tạo hóa trong nỗ lực chế tạo ra con bò đầu tiên bằng kỹ thuật sản sinh vô tính, và điều này có thể đưa tới nhiều vấn đề nhức nhối khác.

Điều đáng chú ý ở đây là những con bê được sản sinh vô tính thường lớn hơn những con bê được sanh tự nhiên rất nhiều. Đây là một câu hỏi mà các nhà khoa học phải tìm tòi câu giải đáp. Những con vật này lại còn có thêm một số đặc tính chung như khi chúng chào đời thì hai lá phổi vẫn chưa phát triển hết mà phải cần đến vài tiếng đồng hồ sau, hoặc vài ba hôm nữa mới thật sự phát triển đầy đủ. Nhiều trường hợp chúng gặp trở ngại điều hòa nhiệt độ trong cơ thể, yếu tố nào gây nên những hiện tượng này là những bài toán chưa có câu giải đáp.

Cách đây 5 năm, con cừu Dolly đã được chế tạo bằng kỹ thuật sản sinh vô tính một cách thành công. Trong nỗ lực thực hiện nghiên cứu này, cô Batchelder liên lạc với những người đã từng thử tạo con bò bằng sản sinh vô tính để thu thập kinh nghiệm và những việc cần phải chuẩn bị cho sự ra đời của con bê. Thí dụ như cô cần có khí oxy cho con bê thở, miếng lót bằng điện để giữ ấm, sữa được pha chế một cách chính xác với nhiều chất kháng thể để giúp cho con bê tránh bị nhiểm bệnh.

Con bê được bác sĩ Lisle George, Khoa Trưởng Khoa Thú Y ở đại học UC Davis đỡ đẻ. Nó to lớn đến độ một mình ông đỡ cũng không nỗi. Con bê được bác sĩ George đặt nằm trên tấm lót điện và các bác sĩ, chuyên viên khác lấy khăn lau mình con bê bắt chước động tác của con bò mẹ. Con bê mới sinh mình hơi bị phù và sưng ở mặt, những hiện tượng này cũng bình thường thôi. Con bê được đặt tên là Lucy để kỷ niệm 15 năm sự ra đời của bộ phi tập hài "I Love Lucy" mà nữ tài tử đóng vai Lucy cũng có mái tóc đỏ hung như bộ lông của con Lucy này. Mọi người tuy hơi dè đặt về sự thành công này nhưng cũng không khỏi lạc quan vì nhìn chung thì con bê Lucy không có hiện tượng gì khác lạ cả ngoại trừ việc nó to lớn gần gấp đôi con bê bình thường khác.

Thế nhưng bước sang ngày thứ nhì thì tình trạng của Lucy trở nên yếu đi, nhiệt độ trong người gia tăng mặc dù đã được uống sữa với nhiều kháng thể đẻ phòng bệnh, xem ra thì phương pháp này không hiệu quả lắm. Cô Batchelder cho biết là lúc đó mọi người đoán là con Lucy bị sưng phổi.

Với tất cả tiến bộ về sinh học và kỹ thuật trong việc sản sinh vô tính con bê Lucy, khoa học xem ra chỉ mới đạt được bước đầu tiên trong quá trình tạo một con bê khỏe mạnh. Chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này vào một dịp khác.

TRUNG QUỐC NHẬP CUỘC VÀO CÔNG CUỘC CHẠY ĐUA VÀO KHÔNG GIAN

Điều chắc chắn là Trung Quốc đang bắt đầu chạy đua vào không gian cùng với hai siêu cường Mỹ và Liên Bang Nga để trở thành một cường quốc thứ ba trên lĩnh vực này. Trung Hoa hiện đang hoàn tất việc huấn luyện 14 phi công chiến đấu - sắp hoàn tất việc thực hiện các bài tập luyện kỹ năng và thể lực tại thành phố Bắc Kinh. Đây là những phi công ưu tú chọn ra từ lực lượng không quân Trung Quốc.

Chuyến bay đầu tiên lên không gian của những nhà du hành này được dự tính sẽ bay vào năm 2005. Những người này có độ tuổi trung bình là 30, ngược lại với những cảm nhận chung cho rằng đó là những người to cao lực lưỡng, nhưng thật ra tất cả chỉ cao trung bình 1.7m và nặng chừng 50 kg. Nguyên nhân của sự hạn chế về tầm vóc này là do phi thuyền mà họ sẽ sử dụng, sẽ không thực sự rộng rãi và một phần nhằm giảm sức đẩy cần thiết bay lên không gian.

Hiện Trung Quốc vẫn đang theo đuổi một công trình không gian và hy vọng sẽ trở thành quốc gia đứng hàng thứ ba thế giới tự đưa người lên không gian vào năm 2005. Chương trình này sẽ kéo dài đến năm 2010.

Trung Quốc cũng đã xác định sẽ sử dụng các công nghệ trong nước đến mức tối đa có thể - từ những tấm pin năng lượng mặt trời của chính mình rộng 36m2 cho đến 20 loại đồ dùng và thực phẩm, kể cả xà phòng và thuốc đánh răng. Mỗi bộ đồ phi hành gia do Trung Quốc chế tạo trị giá tới 10 triệu nhân dân tệ (1.2 triệu dollars).

Chính quyền Bắc Kinh đã bỏ ra hơn hai năm để lựa chọn và chuẩn bị cho thế hệ phi hành gia không gian đầu tiên này, hai người trong số này đã từng được huấn luyện tại Nga.

Theo tờ China Daily số phát hành hôm 20 tháng 5 cho biết là nước này đã có dự kiến đặt chân lên Mặt Trăng vào năm 2010 và họ sẽ đặt căn cứ vũ trụ tại đây.

Ông Dương Chí Nguyên - chuyên gia trưởng của chương trình thám hiểm Mặt Trăng cho biết là có thể hoàn thành hành trình thám hiểm đầu tiên lên Mặt Trăng vào năm 2010 và tại đây sẽ xây dựng một căn cứ trên đó như đã làm tại Nam Cực và Bắc Cực. Năm 2005 họ sẽ tập trung vào việc tạo dựng một trạm không gian riêng của mình và thiết lập các quan hệ với các trạm không gian quốc tế khác.

Tưởng cũng nên nhắc lại là tháng vừa rồi phi thuyền tự hành Thần Châu lll của Trung Quốc đã hoàn tất thành công chuyến bay không người lái thứ ba liên tiếp mở ra triển vọng lớn trong ngành công nghệ vũ trụ của cường quốc này.

Phi thuyền Thần Châu lll, mang theo hình nộm các phi hành gia đã hạ an toàn xuống vùng Nội Mông của Trung Quốc sau khi bay vòng quanh trái đất 108 vòng. Theo sự tiết lộ lần đầu tiên của Bắc Kinh về kế hoạch hành trình vũ trụ có người lái 4 giai đoạn là vào năm 1999, bao gồm cả kế hoạch xây dựng một trạm không gian do các phương tiện không gian theo kiểu tàu con thoi cung cấp thiết bị.

Năm 2001, trong hành trình tự hành thứ hai lên không gian các chuyên gia Trung Quốc đã đưa một con khỉ, một con chó, một con thỏ và ốc sên lên quỹ đạo Trái Đất bằng phi thuyền Thần Châu ll.

TRỞ LẠI SAO HỎA THẬT SỰ CÓ NƯỚC

Gần đây các nhà khoa học không gian đã khẳng định là trên Hỏa Tinh thật sự có mước. Có nghĩa là có sự sống, nhưng sự sống từ bao giờ và dưới dạng nào còn phải chờ đợi thêm một thời gian nữa. Ngày 28 tháng Năm năm 2002, vấn đề khám phá ra nước tại sao Hỏa lại được khẳng định thêm một lần nữa, qua nguồn tin từ phi thuyền Odyssey khảo sát tại hành tinh này của cơ quan NASA báo cáo về cho biết là đã tìm thấy nước tại phía dưới lớp vỏ hành tinh. Đó là phúc trình khoa học được công bố như vậy. Đây được xem là một bước tiến lớn trong công trình nghiên cứu sao Hỏa.

Nhiều nhà thiên văn tin rằng Hỏa Tinh từng có thời gian có nước trên bề mặt, nhưng lại bất đồng ý kiến với nhau về việc nước biển trên ấy lúc bấy giờ đã tuôn chảy đi đàng nào?

Nước lỏng là tiền đề của sự sống tương tự ở Địa Cầu và nước phía dưới mặt đất là yếu tố then chốt để giải thích sự thay đổi của Hỏa Tinh, có thể mở đường cho sự thám hiểm của loài người trong tương lai. Phi thuyền Odyssey được NASA phóng lên vũ trụ hồi tháng 4 năm 2001 cũng đang theo dõi các dữ kiện về phóng xạ trên quỹ đạo thấp của Hỏa Tinh này.

Hoàng Quyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002