Đại Chúng số 101 - Ngày 1 tháng 7 năm 2002

Duramax

CHUYỆN DÀI CỎ DẠI

An Xuyên

Tạo hóa có đức hiếu sanh, không để loài người đến đường cùng mà không lối thoát. Vĩ nhân trên thế giới phần lớn thường xuất phát từ hoàn cảnh ngặt nghèo, đặc biệt. Tuy nhiên không phải lối thoát nào cũng suông sẻ, có những lối thoát bất đắc dĩ. Từ ngày di tản, cuộc sống tha hương bỗng phát sinh nhiều nhân tài hải ngoại trong mọi lãnh vực. Giống như một nhà máy, sản xuất một trăm cái máy ắt phải có dăm bảy cái tật nguyền, trục trặc, không đúng kỹ thuật. Các nhân tài hải ngoại không thoát khỏi luật bù trừ. Một số lớn thành danh trong thương trường Mỹ, một số lớn nổi danh trong cộng đồng tị nạn. Số nổi danh nhưng trục trặc kỹ thuật dĩ nhiên cũng phải có. Nhất là trong giới báo chí, văn chương, số trục trặc lại càng nhiều hơn các giới khác.

Từ lúc làm con dân tứ xứ, nghề nghiệp không còn là kim chỉ nam để định giá một người. Nhiều người văn hay chữ tốt lại chẳng có chỗ dùng. Có kẻ cả đời không cầm đến cây bút, chỉ nhờ tài van xin quảng cáo bỗng nhiên trở thành chủ bút, chủ nhiệm không giống ai. Hoàn cảnh oái oăm đã biến nghề viết văn, làm báo giống như cái nghề để kiếm tiền, hoặc để mua danh, không còn chức năng của nghề cầm bút chút nào. Cầm nhiều tờ báo lên chỉ thấy dài nhằng quảng cáo. Tờ nào ít quảng cáo thì lại ít xuất hiện vì phải giới hạn số in. Đúng là cái khó nó bó cái khôn. Ước gì mấy ông bà chủ nhiệm èo ọt này đóng cửa tiệm tốt hơn, khỏi phải gạt gẫm người đăng quảng cáo. Không có phóng viên, tin tức thời sự được các ông bà làm báo bất đắc dĩ cóp nhặt trong Internet hoặc lấy từ Việt Nam, mười tờ giống một. Đại loại chỉ để trám chỗ trống trong lúc layout vội vàng, Có những mẫu tin giống nhau nhưng khác cách viết đăng hai ba lần trên cùng một tờ báo. Một số tin tức từ các phóng viên tập tành lại viết theo thiên kiến, bè phái, chỉ có lợi cho Cộng Sản. Vì là báo biếu nên độc giả coi như cha chung không ai khóc, chẳng ai phàn nàn. Cũng tội nghiệp cho các ông bà chủ nhiệm, chủ bút, văn tài ở hải ngoại đào đâu ra để mà viết vô tội vạ cho báo bổ kiểu này, đến ngày in báo, thiếu bài đành phải nín thở qua sông. Vì tình hình khó khăn của hải ngoại, đã đành độc giả không chọn lọc như xưa nhưng ít ra ông bà chủ nhiệm, chủ bút cũng phải đọc cho biết mình đang in cái gì, và sửa chửa lời văn trước khi trám chỗ trống để độc giả không phải khổ sở vì ba cái tin xe cán chó ở thành Hồ còn nguyên vẹn giọng điệu cán ngố đăng ở trang đầu. Tin tức sinh hoạt đấu tranh lại đăng khiêm nhường trong một góc trang phụ giống như mục quảng cáo tìm thợ nails. Lâu dần đọc báo thành thói quen chỉ liếc sơ, không dám đọc kỹ sợ bực mình. Nhất là một trong số ông chủ nhiệm, chủ báo không biết vì thiếu bài hay thiếu tiền hoặc vì lý do nào khác, đăng bừa bãi những bài viết "cậy đăng có trả tiền”, bất chấp phát xuất từ đâu, miễn sao có tiền mua sắm áo quần và dụng cụ và tránh được cái cảnh trộm cướp trong shopping cũng như tránh được cái mối nhục bị còng tay,vào tù ra khám như ngày nọ; kế đến là đăng chuyện ngắn, chuyện dài của các tác giả trong nước với giọng điệu văn nô cho chế độ Cộng Sản, chỉ có vài ba đoạn tạm gọi là bất mãn nhưng tựu chung cũng chỉ là vinh danh đảng Cộng Sản, bài bác Việt Nam Cộng Hòa như bài Lão Chộp chẳng hạn. Đọc cho kỹ, đoạn được dùng làm lý do để đăng là dù lão chộp thộp cổ được nhiều lính Mỹ nhưng nhà lão vẫn phải nuôi heo để sống, chẳng được ơn huệ to tát gì. Ngoài ra, từ đầu đến đuôi, lão được tên văn nô ca tụng là người ái quốc nhiệt tình, thành tích tạo tiếng vang thế giới. Gã Đại Sứ Peterson khi xưa bị lão bắt, bị nhốt ở Hỏa Lò cũng phải khâm phục, đi ô tô về làng thăm lão. Dương Thu Hương tiếng là ly khai nhưng vẫn viết sách tán tụng lũ cán bộ gái có tâm hồn hy sinh cao đẹp tuy bề ngoài thua sút gái miền Nam mà Dương Thu Hương nhục mạ là đầy son phấn, suy đồi. Nếu các ông bà chủ bút chủ nhiệm cứ tiếp tục đăng văn chương Việt Cộng cho hải ngoại thưởng thức bất đắc dĩ kiểu này, khúc ruột ngàn dậm sẽ xích lại gần khúc ruột thúi Cộng Sản trong nước lúc nào không hay, công tác văn hóa vận của Cộng Sản ở hải ngoại sẽ thành công như kẻ chủ trương mong muốn. Khi văn hóa không còn biên giới thì lửa đấu tranh cũng tiêu mòn.

Ngoài những con sâu làm rầu nồi canh, dù sao cũng phải cám ơn các ông bà đã can đảm làm chủ nhiệm, chủ bút trong tình huống đáng thương như vậy. Muốn trách cũng không biết trách ai đã gây nên nỗi khó khăn cho làng báo để các ông bà chủ nhiệm phải đi xin quảng cáo mờ người, đành vờ vịt cho qua mọi chuyện chướng tai gai mắt. Xin quảng cáo đâu phải chuyện dễ làm. Phải trơ như đá vững như đồng mới được. Khó khăn như vậy trách sao ngòi bút không cong. Chỉ béo bở cho mấy ông bà hoạt đầu chính trị, tốn vài ba cái quảng cáo là không ai dám đụng đến mình. Cứng đến mấy cũng phải ngậm bồ hòn làm ngọt nếu không muốn bị cúp quảng cáo. Đời làm báo chân chính hải ngoại coi bộ cũng lắm gian truân, không phải dễ ăn như kiểu làm báo của mấy ông bà chủ nhiệm tập tành, xin được đồng nào in đồng đó, không thắc mắc lương tâm. Hoặc giống như mấy ông bà văn sĩ bất đắc dĩ, mượn dịp độc giả hải ngoại xuề xòa dễ tánh, cứ có chữ nào viết chữ nấy, không cần biết chữ nghĩa của mình có làm bận mắt, bận tai ai không.

Sau khi nước mất nhà tan, các ông bà thuộc thành phần trên trước vỡ lẽ được chút đỉnh nguyên nhân thua cuộc nên một số các ông bà đã dùng ngòi bút bất đắc dĩ viết đủ loại sách Nhân Chứng, tự xem mình là chứng nhân của lịch sử. Dĩ nhiên trong cuộc chiến miền Nam, các ông bà phải ít nhiều có lỗi nhưng các ông bà chỉ ghi lại toàn là lỗi của người, chẳng có lỗi nào là lỗi của mình. Đến người tự xưng không có học như ông lính khố xanh khố đỏ Đỗ Mậu còn viết được sách nữa là ai, dù là viết bố láo. Chỉ cần vài ngàn là tên tuổi cũng thấp thoáng trong làng văn, làng báo. Sách in ra không ai mua cũng chẳng sao, để từ từ tặng bạn bè mỗi người một cuốn.

Gần đây, người nổi tiếng nhứt nhì trước ngày mất nước cũng lần mò viết sử. Không biết sử của ông có đầy huyền thoại hay không, mà ông phải đợi những lãnh tụ thời ông ra đi về bên kia thế giới ông mới viết lên chuyện thời đó. Thời nào cũng vậy, chưa ai quên được những lời ông tuyên bố hùng hồn sẽ ở lại chia ngọt xẻ bùi với dân da vàng mũi tẹt nhưng chỉ ngày hôm sau, ông đã leo phi cơ đi mất, không trống không kèn. Người dân phải định nghĩa thế nào đây về chữ Tướng của ông cho đúng nghĩa khi ông cho rằng việc người dân không chấp nhận vấn đề ông quên lời hứa, bỏ dân chạy trước không đáng để ông quan tâm? Với tinh thần vô trách nhiệm như vậy, cái gọi là Cuộc Đấu Tranh Để Cứu Việt Nam của ông chắc chắn cũng chỉ gồm những sáo ngữ, trang sức cho con người xem việc nước như trò đùa của ông. Không hiểu trong cuốn sách để đời Con Cầu Tự đó, ông có nhắc đến những buổi ông lái chiến đấu cơ bay đi o mèo không? Cách đây trên 10 năm, một tờ tuần báo Mỹ đã đăng ở trang bìa sau mẩu chuyện ông kể về những lần chiến đấu cơ của ông bay vòng quanh chiếc máy bay dân sự Việt Nam tí hon để tán tỉnh bà Mai. Phi công máy bay dân sự vì muốn bảo toàn sinh mạng hành khách, năn nỉ ông ngừng trò chơi đó cách nào cũng không được, cuối cùng phải nhờ đích thân bà Mai lên máy radio yêu cầu, ông mới lái chiến đấu cơ đi chơi chỗ khác. Ai cũng biết ông ngông, nhưng đã ngông xin đừng ngu. Kể cho Mỹ nghe những trò khỉ chỉ bõ dân Mỹ tiếc hùi hụi đã viện trợ chiến đấu cơ cho các ông vô ích quá. Tuổi đã cao, người ta khen ông có vóc dáng khỏe mạnh nhưng minh mẫn thì có lẽ không còn bao nhiêu khi ông tuyên bố ông muốn về Việt Nam để hướng dẫn giới lãnh đạo Cộng Sản. Nếu hướng dẫn giới lãnh đạo Cộng Sản để thất bại như ông thì có thể ông làm được. Nhưng có điều ông quên tự hỏi ông đã bao nhiêu tuổi Đảng mà đòi hướng dẫn bọn đảng trị Bắc Việt?. Nếu không lẫn, dựa vào đâu mà ông nói rằng ông vẫn còn uy tín tại Á Châu, có ông người ta sẽ tin tưởng và đầu tư kinh doanh vào Việt Nam? Ông đã quên lúc nào đi phố cũng phải kè kè hai đệ tử đi theo phò giá sợ bị liệng cà chua vì những lời láo lếu khó nghe?. Cà chua mùa này đang lên giá, cũng chẳng có cà chua dư thừa mà làm chuyện tào lao với một ông già lú lẫn, mất uy tín như ông. Càng lú lẫn hơn nữa, ông biến những cuộc đấu tranh ở hải ngoại trở thành vô nghĩa khi cho rằng bạo quyền Hà Nội hiện nay không còn là Cộng Sản, nước Việt Nam là một nước tư bản. Ông văn sĩ bất đắc dĩ này đã già mà vẫn háo danh, ham ăn ham chơi, muốn đánh tiếng vuốt ve Cộng Sản Việt Nam để xin cái Visa rách đi về nước nhố nhăng như Đỗ Mậu nên mở miệng là hô hào đất nước của người ta, còn đấu tranh làm gì nữa, phải tiếp tay xây dựng lại. Có lẽ ông muốn hải ngoại xây dựng một nhịp cầu để ông về Việt Nam dễ dàng, khỏi phải nằm dài ở Thái Lan chờ bà vợ thứ mấy đi về Việt Nam gặp xuôi gia hụt Phan Văn Khải xin xỏ. Nhìn hình ông ngồi bán báo cho thương phế binh ở khu thương mại Eden, mặc dù từ ngày có sạp báo, không biết đã có bao nhiêu thương phế binh được cứu trợ vì chưa ai được nghe ai tường trình, nhưng đồng bào cũng mủi lòng rơi lệ. Không biết đến bao giờ Phan Văn Khải sẽ đưa ông về làm Bộ Trưởng Bộ Thương Phế Binh cho ông thỏa lòng ưu ái đàn em. Một người đã từng nắm giữ chức vụ quan trọng nhưng thiếu trách nhiệm, không có lập trường đúng đắn lại viết sách hy vọng giúp tuổi trẻ có tầm nhìn về lịch sử cận đại thì quả là văn bút hải ngoại có trục trặc kỹ thuật nặng.

Đã có hoa thơm tất phải có cỏ dại. Cỏ dại hay cỏ hoang, sự góp mặt của các ông bà cầm bút bất đắc dĩ cũng góp phần muôn vẻ muôn màu cho vườn hoa văn học nghệ thuật hải ngoại. Dù muốn dù không, cặp mắt khách nhàn du khi thưởng lãm khu vườn cũng không tránh khỏi những cây cỏ dại nằm sát cạnh những cánh hoa khoe sắc. Khu vườn nghệ thuật hải ngoại không có hàng rào, không có thuốc diệt cỏ dại, cây nào mạnh hay lỳ cứ tự động phát triển. Người Quốc Gia chỉ cầu mong các hoa thơm cỏ dại đừng trổ thành làng Hồng, làng Mai của Thích Nhất Hạnh thì cũng đỡ khổ lắm rồi.

An Xuyên

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002