Đại Chúng số 100 - Ngày 16 tháng 6 năm 2002

Duramax

Một vụ lường gạt tại Ba Lê:

BÁN THÁP EIFFEL

Ti Vi sưu tầm

(+) tên một số địa danh và nhân vật đã được thay đổi)

Tháp Eiffel là một kỳ quan quyến rũ du khách từ khắp nơi trên thế giới đến viếng Ba Lê. Có lẽ không một người ngoại quốc nào đến Ba Lê mà không dành ít thì giờ đến tận nơi ngắm tháp, chụp hình kỷ niệm. Nếu đi xe hơi trên xa lộ từ hướng nam vào Ba Lẽ thì từ đàng xa hàng chục cây số đã thấy nổi bật lên chân trời ngọn tháp Eiffel, ngọn đồi Montmartre với nhà thờ Sacré Coeur, nhà chọc trời Montparnasse.

Tháp làm toàn bằng thép, được dựng lên bên bờ sông Seine, do Kỹ sư Gustave Eiffel thực hiện năm 1889 nhân dịp Đấu Xảo quốc tế. Tháp cao 293 mét (ngày nay cao 321 mét, kể cả ăng-ten truyền hính), dùng 8 ngàn tấn sắt. Tháp có 1665 bực thang từ dưới đất lên đỉnh, có ba cầu thang máy, có hai nhà hàng ở từng một và từng hai. Đứng trên ngọn tháp có thể nhìn xa tới 80 cây số.

Trên thế giới tháp Eiffel đứng đầu số du khách tới thăm, tính đến năm 1995, có 162 triệu người đã mua vé vào thăm tháp. Riêng năm 1998, có 6 triệu khách.

Mùa hè năm 1925, trong số du khách có một người khoảng 35 tuổi, ăn mặc thật sang trọng, lịch sự, quý phái. Một người thư ký trẻ tuổi xách cập đi theo. Đấy là bá tước Victor Lustig từ Nữu Ước tới Ba Lê ngụ tại một khách sạn hạng nhất, khách sạn Crillon ở giữa thủ đô hoa lệ. Hàng ngày bá tước cùng người thư ký dạo chơi đại lộ Champs Elysées, ngồi uống cà phê ở những quán sang trọng đắt tiền, đọc các báo và ngắm các khách bộ hành qua lại.

Thực sự thì Victor Lustig là một tên giả, và chức bá tước cũng là giả mạo. Hắn là một tên lường gạt quốc tế thường hoạt động ở Mỹ và ở Âu châu. Hắn vừa gạt được một vụ lớn ở Canada nên bò sang Pháp để tránh sự tìm tòi của cảnh sát nếu hắn bị thưa và cũng để làm ăn một vố mới.

Thông thường thì trước khi hành động, hắn nghiên cứu và chọn kỹ con "mồi". "Mồi" phải là một người đứng đắn tử tế, có tiền, có chút danh vọng chức vụ, mà vì hám lợi hay vì xuẩn ngốc một phút không chịu suy nghĩ nên bị lừa, rồi vì sợ mang tiếng, sợ xấu hổ, nên sau khi bị lừa ếm nhẹm câu chuyện không thưa gửi pháp luật. Vì vậy mà hắn lưởng gạt được nhiều đám ở Mỹ. Cảnh sát nghe phong thanh, giam giữ hắn để điều tra nhưng vì không đủ yếu tố để truy tố ra toà nên hắn vẫn được tự do.

Victor Lustig sanh ở nước Áo (Austria) năm 1890. Xuất thân từ một danh gia vọng tộc, cha là thị trưởng thành phố Hostinne. Victor học trung học tại một truờng ở thành phố Dresde, Victor rất giỏi ngoại ngữ, nói thông thạo 5 thứ tiếng Anh, Pháp, Ý, Đức và tiếng slavic (Tiệp, Nam Tư, v.v...). Năm 19 tuổi, sau khi học hết chương trình trung học, hắn bỏ nhà tới Paris sống lang thang. Hắn muốn có nhiều tiền ngay mà không phải khổ thân "đi cày" nên hắn nghĩ tới việc đi lường gạt là một phương pháp có tiền nhanh chóng mà không nhọc tới thể xác. Hắn nghiên cứu về nghề đánh bạc bịp, nhất là đánh Poker và Bridge. Sau khi biết hết mánh khoé, hắn bước chân vào nghề để thực hiện ý định của hắn.

Phải nói rằng Victor là một người rất thông minh, am hiểu khoa tâm lý. Victor rất nhẫn nại và cẩn thận trước khi hành động, và chỉ ra tay khi cầm chắc cả mười phần. Cả một cuộc đòi lường gạt của hắn, từ lúc vào nghề cho đến lúc chết năm 1947, bao giờ hắn cũng giữ vững một đường lối là dùng mưu kế để lường gạt chứ không bao giờ dùng võ lực, không bao giờ dùng khí giới súng ống hoặc cướp trộm. Một nhân viên cảnh sát Mỹ đã phải nói rằng, nếu hắn không đi vào con đường tội lỗi thì hắn có thể thành một nhà ngoại giao lỗi lạc.

Với bộ dạng lịch sự, cách ăn nói trí thức, dáng người đẹp đẽ, ăn mặc quý phái, hắn đã gây được tín nhiệm của những người mà hắn định lường gạt.

Lúc bấy giờ là thời gian trước đệ nhất thế chiến 1914-1918. Dân giàu triệu phú Mỹ thường đi du lịch sang Âu Châu trên những chiếc tàu thuỷ sang trọng đắt tiền. Cuộc hành trình vượt Đại Tây Dương phải mất nhiều ngày, nên ở trên tàu có nhiều trò chơi giải trí, nhất là đánh bạc.

Victor Lustig len lỏi vào đám hành khách du lịch, trổ nghề cờ gian bạc lận trong ít lâu, cho đến năm 1914, khi thế chiến bùng nổ thì chấm dứt vì chiến sự nên các nhà triệu phú Mỹ không còn du lịch sang Âu Châu nữa.

Trong thời gian làm ăn cờ bạc bịp trên tàu, Victor gặp được một tay tổ bịp bậc sư của hắn, tên là Nick Armstein, nên Victor học hỏi được nhiều mánh khoé tâm lý lường gạt.

Sau khi thế chiến chấm dứt năm 1918, Victor sang Mỹ làm ăn. Bây giờ hắn bỏ nghề đánh bạc bịp mà chuyển sang nghề lường gạt.

Một buổi sáng mùa hè năm 1924, Lustig tới thành phố Sabrina ở tiểu bang Kansas. Hắn thuê phòng tại một khách sạn trung bình, và đánh tiếng là muốn mua một cái nông trại để khai thác. Chủ khách sạn mách một cái nông trại ở cách thành phố khoảng 20 cây số. Trại này của một người tên là Brandel vì làm ăn thất bại nên bị nhà băng Sabrina Bank tịch thâu từ lâu mà chẳng có ai mua vì đất khô cằn không trồng trọt gì được. Nhà băng để mãi không bán được nên rất bực tức vì hàng năm cứ phải đóng thuế đất cho chính phủ, các nhà cửa, dụng cụ trong trại không ai săn sóc đến dần dần bị rỉ sét hư nát, đất thì càng cằn cỗi vì cỏ hoang mọc đầy.

Ông chủ nhà băng chỉ muốn bán rẻ, bán lỗ, bán đổ bán tháo, để thoát nợ, mà chẳng có một người nông dân nào trong vùng thèm mua, vì ai cũng biết rằng đất ở đó thiếu mầu mỡ không thể trồng trọt gì được.

Một buổi sáng Lustig tới nhà băng, nói với cô thư ký là muốn gặp ông giám đốc. Hắn ta được dẫn ngay vào văn phòng ông này. Ông giám đốc, tên là Tom Brown, thấy một người ăn mặc lịch sự quý phái Âu châu, cổ cồn, nơ bướm, quần có sọc dài, giày "ghệt", đầu đội mũ "mơ-lông", tay cầm can, một kiểu ăn mặc quý phái ở Âu châu, không bao giờ thấy ở cái thành phố nhỏ bé Sabrina này, nên ông Brown đứng dậy niềm nở tiếp đón.

Khách cúi đầu chào tự giới thiệu là bá tước Victor Lustig.

- Dạ, xin mời bá tước ngồi.

Brown hân hoan, cảm động, vì lần đầu tiên trong đời được gặp một ông bá tước bằng xương bằng thịt, Brown hỏi :

- Thưa bá tước đến ngân hàng chúng tôi có chuyện gì?

- Tôi muốn đến hỏi ông giám đốc một việc. Tôi là một người tỵ nạn từ nước Áo (Austria) sang đây. Gia đình tôi là một gia đình quý tộc lâu đời ở vùng Tyrol. Chúng tôi có một cái lâu đài mà tổ tiên chúng tôi xây cất từ thế kỷ thứ 12. Ruộng vườn đất cát bao la, cò bay thẳng cánh, cha truyền con nối đến nay, chúng tôi vẫn để cho các tá điền canh tác đời này sang đời nọ. Đối với họ chúng tôi đối xử rất công bình, nhân đạo, không bao giờ bóc lột công lao của họ. Thế mà....

Nói tới đây Lustig ngưng lại ít phút, nét mặt trở nên rầu rĩ, rồi với một giọng buồn rầu kể tiếp:

- Thế mà, sau khi đại chiến thế giới chấm dứt, nước Áo thua trận, nông dân và tá điền bị xúi dục nổi lên đổ lỗi cho giai cấp quý tộc và địa chủ đã làm cho nước Áo thất trận. Các tá điền mà chúng tôi vẫn đối đãi tử tế như người thân, cầm gậy gộc xẻng cuốc phá nhà cửa, đốt tài sản và tìm kiếm gia đình chúng tôi để hành tội. May mắn chúng tôi trốn thoát được và chạy sang đây để tỵ nạn. Bây giờ thì chúng tôi mất hết, cần phải làm lại cuộc đời để sinh sống. Nghề nghiệp thì không có, từ nhỏ đến lớn chỉ sống về ruộng vườn nông trại, nên tôi muốn tìm mua một cái trại và nghe nói quý ngân hàng có cái trại Brandel muốn bán phải không?

-Dạ thưa phải. Brown trả lời một cách bình tĩnh nhưng trong bụng mừng như mở cờ, nghĩ rằng thật là Chúa xui khiến cho cái thằng "gà mờ" này đến đây.

- Ông giám đóc có thể cho biết giá bao nhiêu không?

- Chúng tôi bán với giá phải chăng thôi, Brown nghĩ thầm có bán lấy đủ vốn cũng là phước lắm rồi.

Lustig rút trong túi ra một phong bì dày cộm, lấy một phiếu quốc trái vô danh loại Liberty, thứ thiệt, rầu rầu nói:

- Chúng tôi thoát khỏi nước Áo mang theo được ít đồ nữ trang quý giá. Tới Nữu Ước, chúng tôi bán đi và mua được 50 ngàn đô la loại quốc trái này, không biết bây giờ có bị mất giá trên thị ttruờng không? Xin ông Giám đốc vui lòng cho biết với 25 ngàn đô la quốc trái này có đủ để mua cái nông trại Brandel đó không?

Brown cầm coi vài tờ quốc trái Liberty thấy là thứ thiệt. Hắn biết loại này hiện đang có giá lắm, hắn nghĩ với số tiền 25 ngàn đô la thì hắn còn lời gấp mấy lần giá trị cái nông trại, nhưng hắn tỏ ý không vồ vập lắm, hắn chậm rãi trả lời.

- Với 25 ngàn đô la quốc trái này thì tôi thấy cũng đủ để bá tước mua cái nông trại đó và trả các sở phí giấy tờ.

- Nếu vậy thì ông giám đốc có thể cho tôi tới xem cái nông trại đó ngay bây giờ không?

- Dạ thưa được. Xin bá tước chờ tôi một phút. Nói rồi Brown để bá tước Lustig ngồi trong phòng, chạy sang bàn giấy viên phó giám đốc thì thào rỉ tai: "Bán được cái trại Brandel rồi, bán cho cái thằng tỵ nạn gà mờ kia kià".

Nói rồi ông kêu tài xế lái xe đưa ông và bá tước Lustig đi thăm trại.

Brown hết lời nói tốt về nông trại đó, tìm cách lấp liếm che dấu những nơi mục nát, nhưng hình như bá tước Lustig có vẻ ngu ngốc chẳng hiểu biết gì, không có một lời chê bai kêu ca gì về tình trạng tồi bại của nông trại.

Khi hai người lên xe trở về ngân hàng, Brown dò xét ý kiến của bá tước Lustig, e ngại ông ta sẽ đổi ý sau khi xem xét nông trại, nhưng ngược lại Lustig rất vui vẻ, hỏi Brown là bao giờ thì có thể làm giấy đoạn mại được. Brown chỉ sợ Lustig đổi ý vội vàng trả lời:

- Dạ, sáng mai là văn tự đã sẵn sàng để hai bên cùng ký.

- Ông giám đốc có thể mang văn tự tới khách sạn tôi ở được không?

- Dạ thưa bá tước, được chứ. Sáng mai khoảng 9 giờ là tôi và ông phó giám đốc sẽ mang văn tự đến khách sạn để chúng ta cùng ký.

- Tôi còn có một vấn đề này muốn nhờ ông giám đốc giúp cho. Mua trại xong thì phải bỏ tiền ra để chi phí canh tác, chờ đến mùa gặt sang năm mới có thể thu hoạch được lợi tức. Tiền mặt thì tôi không có. Sau khi mua nông trại hết 25 ngàn, tôi chỉ còn lại 25 ngàn bằng quốc trái, ông giám đốc có thể đổi số quốc trái đó cho tôi lấy tiền mặt để xài được không?

Brown mừng thầm trong bụng, vì đã biết trên thị trường chứng khoán, quốc trái Liberty còn giá trị hơn giá mà Lustig mua, nên Brown vồ lấy cơ hội, tươi cười trả lời:

_ Chuyện đó thì bá tước khỏi lo. Chúng tôi sẽ hết sức giúp bá tước. Ngày mai tôi sẽ mang 25 ngàn đô la đến khách sạn đổi cho bá tước.

Hôm sau, Brown và Patty , giám đốc và phó giám đốc ngân hàng Sabrina Bank gõ cửa phòng bá tước Lustig, với một chút lo âu, sợ cuối cùng Lustig đổi ý kiến. Nhưng nụ cười tươi tắn của Lustig khi mở cửa làm tan ngay cơn e ngại của họ.

- Chào ông giám đốc, chào ông phó giám đốc. Xin mời hai ông vào. Hai ông có mang văn tự đoạn mại tới chứ?

- Dạ thưa bá tước, chúng tôi đã sửa soạn sẵn, chỉ còn ký tên vào là xong. Có cả giấy chứng thực nông trại này không bị ốp bộ gì cả.

- Nếu vậy thì tốt quá. Xin mời hai ông ngồi.

Rồi Lustig mở tủ lấy ra một gói lớn, mở giấy bọc, trong có hai tập quốc trái dày, có dây buộc chữ thập kỹ lưỡng, rồi nói :

- Đây hai xấp quốc trái, mỗi xấp 25 ngàn đô la.

Rồi hắn gói lại bỏ vào trong ô kéo, lấy ra một chai rượu huýt-ky hảo hạng, bảo Brown và Patty:

- Theo tục lệ nước tôi thì phải mời hai ông uống mừng cho tôi tạu được cái nông trại này.

Hắn rót rượu vào ly mời Brown và Patty. Hai người sung sướng trong sự thành công, vui vẻ nhận ly rượu. Rượu vào lời ra, hết ly này đến ly khác, đến khi chai rượu cạn thì đầu óc hai ông giám đốc và phó giám đốc đã quay cuồng, chân tay loạng quạng. Lustig đứng dậy lấy gói quốc trái đưa cho Brown và Patty, rồi cả ba cùng ký vào giấy đoạn mại. Green lấy xấp bạc 25 ngàn đô la mang theo đưa cho Lustig. Lustig tiễn hai người ra cửa, vui vẻ bắt tay chào hẹn ngày tái ngộ.

Brown và Patty về tới văn phòng hoan hỷ khui xâm banh uống mừng, mở gói giấy quốc trái ra, cắt dây buộc, trên và dưới xấp quốc trái mỗi đầu có một tờ thứ thiệt, còn thì toàn là giấy báo cắt đúng khuôn khổ. Giám đốc và phó giám đốc tỉnh hẳn rượu, vội lấy xe phóng đến khách sạn kiếm Lustig thì hắn đã cao chạy xa bay mất rồi.

Sau khi lừa được vài đám nữa ở Mỹ, Lustig sang Montréal, tổ chức đánh cá ngựa giả, lừa một anh chủ nhà hàng được bẩy chục ngàn đô la, Lustig trở về Nữu Ước dự tính sang Paris làm ăn một vố lớn. Hắn tìm trong đám dân lường gạt ở Nữu Ước một người biết nói thông thạo tiếng Pháp. Hắn gặp được tên Peter Collins trẻ tuổi, khoẻ mạnh, đẹp trai, khuôn mặt hì?n lành dễ thương, cũng là một tên nổi tiếng trong giới lường gạt ở Mỹ, ra tù vào khám nhiều lần. Peter Collins tên thật là Robert Tronchon, cha là một nhà trồng tiả người Mỹ ở tiểu bang Atlanta, mẹ là một nguời Pháp chính cống. Từ nhỏ Collins nói tiếng Pháp với mẹ trong gia đình, vì vậy Collins nói rất thông thạo như một người Pháp, không có giọng ngoại quốc.

Hai tên bịp thoả thuận sang Pháp làm ăn chung, Collins giả làm thư ký cho bá tước Lustig.

Tới Paris chừng một tuần lễ ngày nào cũng dạo chơi Champs Elysées, Peter sốt ruột hỏi Lustig:

- Thế nào? bao giờ thì bắt đầu hành động? Con "mòng" đâu?

- Đích danh "mòng" thì chưa biết là ai, nhưng tao đã biết sẽ chọn "mòng" ở trong giới nào rồi, vì tao sẽ bán cho nó cái tháp Eiffel.

- Mày điên hả?

- Không, tao không điên. Đây mày coi. Lustig chỉ vào một tờ báo đăng một tin ngắn về việc sửa chữa tháp Eiffel. Vì công việc sửa chữa tốn kém nhiều nên hội đồng thành phố Paris dự tính trường hợp có thể dỡ tháp ra bán sắt để tiết kiệm cho ngân quỹ.

Lustig nói tiếp:

- Bài báo này sẽ làm dễ dàng cho công việc của chúng ta. Con "mòng" tương lai đọc báo này xong là hắn dự tính tìm cách mua đống sắt vụn đó. Hắn phải là một tên trong giới những người buôn sắt cũ phế thải, mới nổi lên giàu có và đang tính làm ăn một vụ lớn để có thể bước vào giới các nhà triệu phú.

- Tao không tin là dân Paris sẽ để cho Hội đồng thành phố dỡ tháp Eiffel mà không phản đối. Paris mà không có tháp Eiffel thì còn gì là Paris nữa, Peter nói.

- Mày không biết. Chẳng có ai phản đối đâu. Vả lại dân Paris cũng chẳng thấy cái tháp ấy đẹp đẽ gỉ. Khi mới xây cất xong, biết bao nhiêu người chê cười là một công trình phản mỹ thuật làm xấu thành phố. Các văn nghệ sĩ đều chế diễu. Nhà văn nổi tiếng Alexandre Dumas cũng cho là một công trình ghê tởm phản mỹ thuật.

Thôi mày cứ yên trí để tao sắp đặt. Bây giờ tao cần phải có một số giấy giả mang tiêu đề toà Thị Chính và của Công ty Khai Thác tháp Eiffel. Tao biết có một tên làm thông hành giả, chúng ta hãy đi kiếm nó để nhờ nó làm dùm.

Ít ngày sau, năm đại thương gia trong ngành mua bán sắt cũ phế thải nhận được giấy mời chính thức của Công ty Khai Thác tháp Eiffel, mời đến gặp đại diện của thành phố Paris "để được biết về một dịch vụ sắt phế thải". Cuộc gặp gỡ được định vào một ngày trong tuần lễ sau, vào 3 giờ trưa, tại một căn phòng trong khách sạn Crillon.

Đúng giờ hẹn, năm vị thương gia đến nơi được Lustig đón tiếp. Lustig khéo giả dạng là một công chức cao cấp, với giáng điệu và cách ăn nói của một nhân vật quan trọng. Trong năm người được mời đến thì có một người tên là Ponchet mà Lustig đã chọn sẽ là con "mòng". Lustig đã điều tra biết Ponchet là một anh nhà giàu mới, vẫn còn có nhiều mặc cảm về cái quá khứ nghèo khổ gần đây. Ponchet thường lên giọng kẻ cả và tiêu xài huênh hoang để che lấp cái mặc cảm đó, và cũng thường "húc" không cần suy nghĩ để mau chóng thực hiện cái mộng triệu phú hòng bước lên bực thang xã hội cao hơn hiện tại của hắn.

Thư ký Peter rót rượu mời 5 vị thương gia. Lustig đứng lên nói:

- Nhân danh thành phố BaLê, tôi xin cảm ơn quý vị đã đáp lời mời đến đây tham dự buổi họp này, và tôi xin lỗi đã không nói rõ hơn trong bức thư mời vì lý do bảo mật. Việc tôi nói đây xin quý vị giữ kín đừng cho ai biết, vì giờ phút này chỉ có ba người biết mà thôi là ông Thị Trưởng Ba Lê, Thủ tướng chính phủ và Tổng thống nước Pháp. Đó là việc Thành Phố Ba Lê quyết định tháo gỡ và bán tháp Eiffel. Lẽ tất nhiên tin này tung ra thì sẽ gặp nhiều phản đối của dân chúng và báo chí, nhưng có phản đối thì cũng đã muộn, vì tháp Eiffel đã được bán rồi. Và cũng vì lý do bảo mật đó nên tôi phải mời quý vị đến nơi đây chứ không đến văn phòng của tôi. Hơn nữa phải đề phòng báo chí biết làm rùm beng lên thì hỏng việc.

Rồi cũng để phá tan sự nghi ngờ của các thương gia, Lustig bồi thêm:

- Quý ông cũng biết rằng tháp Eiffel được xây dựng để khai mạc Đấu Xảo quốc tế năm 1889, nên không dự tính là một công trình vĩnh viễn để làm đẹp thành phố. Lúc bấy giờ đã có nhiều văn nghệ sĩ phản đối chê tháp Eiffel làm giảm mỹ thuật của thành phố, trong số các nhà văn nổi tiếng có Alexandre Dumas, Franậois Coppée và Guy de Maupassant. Hiện nay vì dân Paris đã quen mắt nhìn tháp đó, nhưng thật sự thì là một công trình kiến trúc xấu xí không có giá trị mỹ thuật gì cả. Vì vậy thành phố đã quyết định phá gỡ tháp đó đi. Vả chăng sở phí tu bổ tháp rất tốn kém, quỹ thành phố không thể đài thọ được. Vị nào mua được tháp này, gỡ nó đi làm sạch mắt cho dân Paris, là một việc làm tốt cho thành phố và cho dân chúng. Trong tinh thần đó, tôi xin mời quý vị tham gia vào công việc tốt đẹp này.

Năm thương gia mỉm cười gật đầu tỏ ra đồng ý.

Lustig nói tiếp:

- Bây giờ tôi xin nhắc quý vị là tháp Eiffel cao 300 thước, lúc xây dựng phải dùng 8 ngàn tấn thép, thành phố phải chi phí 8 triệu quan. Tôi mời quý vị cùng tôi đến tận nơi quan sát tháp đó. Tôi có sẵn xe hơi ở duới nhà, xin mời qúy vị đi cùng.

Lustig và thư ký Peter dẫn 5 ông thương gia tới chân tháp. Với dáng điệu kẻ cả của một công chức cao cấp, Lustig nói gì với anh gác dan, chìa cho anh xem một giấy chứng minh gì đó có tiêu đề của Thành phố và của Công ty Khai thác, anh gác dan chẳng kịp đọc đã vội vã mở cổng để đoàn người vào quan sát. Lustig đưa 5 ông thương gia xem nơi này, nơi nọ, lên từng lầu, rồi đưa các ông xuống, trở về khách sạn.

Trước khi chia tay, Lustig nói:

- Chúng tôi chờ quý vị cho giá đấu thầu kín vào ngày thứ hai tuần tới, lúc 9 giờ sáng. Xin quý vị mang lại phòng vừa rồi tại khách sạn này, và nhất là xin quý vị giữ thật kín dùm cho.

Đúng ngày giờ hẹn, 5 ông thương gia mang giấy đấu thầu tới, Lustig bảo các ông về rồi sẽ cho biết kết quả sau.

Ngày hôm sau, thư ký Peter tìm đến ông thương gia "mòng", ông Ponchet, báo tin ông đã trúng thầu và hẹn đúng ba giờ chiều thứ sáu tới phải mang đủ tiền ký quỹ đến đóng để ký giao kèo. Thương gia Ponchet vui mừng, hứa sẽ cầm cố vay mượn để có gấp tiền vì số tiền đấu thầu rất lớn.

Peter và Ponchet chia tay. Peter sợ thương gia Ponchet nghi ngờ nên lo ngại hỏi Lustig. Lustig bảo cứ yên trí, Lustig đã có cách để đánh tan nỗi nghi ngờ của Ponchet rồi.

Đúng ba giờ chiều thứ sáu, Ponchet tới khách sạn, mang theo một tấm "xéc", số tiền có bảo chứng của ngân hàng. Tên người thụ hưởng bỏ trống vì Peter đã dặn Ponchet làm như vậy để bảo toàn sự bí mật.(Cho đến bây giờ người ta cũng không biết số tiền đề trên tấm "xéc" đó là bao nhiêu, vì về sau cả Lustig lẫn Ponchet đều dấu kín).

Lustig đã khôn ngoan hẹn đúng 3 giờ chiều là để sau khi ký giao kèo nhận tiền, Lustig còn đủ thì giờ đi lãnh trước khi nhà băng và các công sở đóng cửa nghỉ cuối tuần, lãnh tiền xong là cả hai chuồn ngay sang nước khác. Peter đã sửa soạn sẵn một chiếc xe hơi đậu trước khách sạn với hành lý của chúng.

Peter mở cửa mời Ponchet vào. Lustig niềm nở chào đón. Hắn rót rượu mời Ponchet rồi nâng ly nói: Xin mừng ông đã trúng một áp-phe lớn.

Ponchet lạnh lùng trả lời: Công việc đã xong đâu?

Lustig đáp:

-Xin lỗi ông, vậy thì chúng ta ký giao kèo trước. Đây giao kèo làm thành hai bản, mỗi bên giữ một bản, xin mời ông ký trước. Ông có mang tấm ngân phiếu lại chứ?

Ponchet gật đầu. Cả hai cùng ký vào dưới tờ giao kèo rồi Ponchet rút túi lấy ra tấm "xéc" đưa cho Lustig.

Lustig bỏ tấm xéc vào túi rồi quay về phía Peter mà bảo:

-Bây giờ anh về văn phòng trước, tôi sẽ về sau.

Peter vừa ra khỏi phòng thì thái độ của Lustig thay đổi một cách nhanh chóng. Đây là một đòn cuối cùng để đánh tan cơn nghi ngờ của Ponchet hòng hoãn lại vài tiếng đồng hồ trước khi trời tối để hắn có đủ thì giờ vượt qua biên giới. Đang có thái độ hách dịch của một công chức cao cấp, hắn thấp giọng nói nhỏ nhẻ như một anh làm công hạng bét, với nụ cười cầu tài ngượng nghịu, hắn nói:

-Thưa ông, còn một việc nhỏ nữa, tôi mong rằng ông không quên.

- Việc gì nữa? Ponchet hỏi.

- Thưa ông, theo thông lệ thì sau một áp-phe lớn người phụ trách được.....được... một .....Lustig ngập ngừng.

- A tôi hiểu rồi. Ông muốn một món quà hậu tạ chứ gì?

- Dạ, ông nói quá! Thông lệ thì nhà thầu cho một số tiền com-mít-xông nhỏ, chứ tôi không dám đòi hỏi gì.

- A có phải như vậy mà ông không mời tôi đến văn phòng mà lại tiếp tôi ở khách sạn này không?

- Dạ thưa đúng. Xin ông thông cảm, tôi cũng cần phải kín đáo đề phòng cho bản thân tôi.

- Thế nếu tôi không đưa số tiền com-mít-xông thì ông làm gì?

Lustig giả bộ buồn rầu, dang hai tay ra làm bộ chịu đựng, rồi nói:

- Tôi có thể xét lại đơn bỏ thầu của bốn ông kia và xem ông có bỏ giá hạ hơn bốn ông kia không?

Thương gia Ponchet cười lớn, móc túi lấy ra một xấp giấy bạc, giúi vào tay Lustig, vỗ vai hắn và nói:

- Tôi thử ông đấy thôi. Ông tưởng tôi là người không sành điệu hả. Ông thấy không, tôi đã dự tính sẵn còm-mít-xông cho ông rồi. Trời! tôi đâu có phải là một tên mơ mới vào nghề. Tôi biết hết mánh khoé mà! Ông chẳng hỏi thì tôi cũng đã đưa cho ông rồi. Ông khinh thường tôi quá!

Lustig tươi cười xin lỗi, trong bụng chắc mẩm là con "mòng" đã hoàn toàn mắc, rót rượu mời Ponchet một lần nữa trước khi ông ra về.

Mấy tiếng đồng hồ sau, hai tên bịp vượt qua biên giới với những tấm thông hành giả của chúng, rồi tới thành phố Vienne thuê một khách sạn sang trọng nhất. Lustig ngày nào cũng mua báo Pháp đọc để nghe ngóng tin tức nhưng không thấy đăng một tin gì liên can đến vụ lường gạt cả, hắn yên trí là Ponchet sau khi biết mình bị lừa, câm miệng hến không dám hở ra với ai cũng không dám thưa cò bót, vì sợ xấu hổ và cũng sợ gặp khó khăn trong việc làm ăn về sau.

Sau khi ăn xài đế vương một tháng ở kinh thành Vienne, một buổi sáng Lustig vỗ vai Peter bảo thu xếp hành lý về Paris.

- Về Paris làm gì nữa? Peter hỏi.

- Lại bán tháp Eiffel nữa chứ làm gì.

- Không được đâu. Mình bán tháp rồi, bây giờ còn phải của mình nữa đâu mà bán.

- Đúng! mình bán rồi nhưng người mua không lấy thì thành ra vẫn là của mình, mình có quyền bán nữa chứ sao.

Hai tên bịp bợm trở về Paris, tái diễn trò bán tháp một lần nữa, nhưng lần này người mua biết là bị lường gạt nên làm rùm beng lên, hai tên bịp chuồn lẹ.

Lustig trở về Mỹ làm nhiều chuyện lường gạt nữa trước khi chết năm 1947.

Ti Vi
tháng 5-2002

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002