Đại Chúng số 100 - Ngày 16 tháng 6 năm 2002

Duramax

Thơ Phương Du Nguyễn Bá Hậu
hay là nguồn hạnh phúc trong đau khổ và tình thương loài người

Lê Mộng Nguyên

Tôi được hân hạnh làm quen với nhà thơ Phương Du lần đầu tiên trong "Chiều Tha Hương" do Câu Lạc Bộ Văn hóa Việt Nam tổ chức ngày thứ bảy 03-6-2000 tại Paris và hôm ấy thi sĩ Đỗ Bình đã cho cảm nghĩ của anh về tác giả của 3 thi tập: Tha Hương (1986), Tình Thương 1 (1991) và Tình Thương 2 (1993) cùng 3 băng nhạc Tình Thương, như sau : "Thơ Phương Du hướng về tâm linh nên nhẹ chất lãng mạn, nhưng đọc thơ Phương Du cho ta những cảm xúc thật sâu đậm, đôi khi thật dịu dàng. Phương Du để cho sự rung động thật tự do, không gò bó, hồn thơ lai láng, bay bổng trong không gian, hòa hợp với thiên nhiên"... Tôi hoàn toàn đồng ý với Đỗ Bình (tác giả thi tập "Bóng Quê") về những ý kiến rất chính xác của anh. Qua lời giảng giải với ngữ điệu giáo huấn, Phương Du (tức bác sĩ Nguyễn Bá Hậu, nguyên chủ tịch CLBVHVN) có ý mời cử tọa (đồng bào hải ngoại hiện diện hôm ấy) theo dõi cuộc hành trình khá xúc động của ông về “Đau Khổ và Tình Thương", đi tự nguồn gốc hai câu thơ của Alfred de Musset :

L’homme est un apprenti, la douleur est son maýtre

Et nul ne se connaýt tant qu’on na pas souffert

mà ông đã dịch ra tiếng Việt : Sự đau khổ nếu ta không có, Biết thân ta thật khó muôn bề, Ta là ngườI thợ học nghề, Có đau mới biết rõ về thân ta .

Trong bài "Sự đau khổ" mà Phương Du trình bày hôm ấy (và cũng là 1 thi bản của HOA TÂM, tôi xin trích đoạn 2 đầy ý nghĩa (nói về nguyên nhân của sự đau khổ thể xác và tinh thần) :

Niềm đau khổ tự đâu đem tới

Ta dày công nghĩ ngợi mông lung

Nhiều khi huyền bí vô cùng

Ý trời đã định, nên đừng bận tâm

và đoạn cuối, tương tự ngạn ngữ "Sau cơn mưa trời lại nắng" (Après la pluie, le beau temps), đề cao niềm hy vọng trong tương laiá:

Rồi đau khổ dần dà chấm dứt

Sau bão mưa trời rực sáng tươi

Gắng công tôi luyện con người

Mai sau sẽ hưởng cuộc đời vinh quang.

... “Chiều Văn Nghệ” tổ chức tại Paris hơn một năm sau (ngày 05-8-2001) tại tư thất Đỗ Bình và Thúy Hằng ở Cergy (ngoại ô Paris) là một cơ hội cho Phương Du Nguyễn Bá Hậu đi sâu vào nòng cốt của những thi tập của ông đã xuất bản và 1 CD "Thi Nhạc Hoa Tâm" vừa mới ra đời : Đề tài những tác phẩm đó đều xoay quanh đức tình thương, một đức tính cao đẹp mà không một tôn giáo nào, không một học thuyết nào có giá trị có thể bỏ qua được. Bởi vậy, ngoài các bài thơ với đề tài thông thường là : phong, hoa, tuyết nguyệt, ngoài những bài thơ diễn tả tình cảm của kẻ tha hương một cách chân thật, không chút hư cấu, ngoài những bài đường luật xướng họa để trao đổi tâm tư với các bạn thi nhân, và ngoài những bài thơ phỏng dịch những thi hào ngoại quốc Anh, Pháp, Mỹ, Trung Hoa, tôi đã làm nhiều bài thơ đề cập đến đời sống con người, gồm hai phần, phần Hình nhi hạ và phần Hình nhi thượng , theo sự phân loại của Khổng Tử . Phần Hình nhi hạ gồm những bài đề cập đến vấn đề luân lý trong nếp sống đời nay, có những điều hay để ta hưởng mộ và những điều không hay để ta khỏi bị ngộ nhận, nhất là ở vào thời đại đảo điên hiện nay, có nhiều điều vô lương, thất đức đã được coi như kim chỉ nam của cuộc sống... Phần Hình nhi thượng là phần gồm có những vấn đề tâm linh, liên quan đến đời sống thiêng liêng của loài người với ba câu hỏi sau đây : Ta tự đâu được sinh ra ? Ta được sinh ra để làm gìá? Sau khi chết ta sẽ ra sao ?...

Thi tập HOA TÂM mà lai cảo vừa mới đến tay tôi trong tháng 4-2002 là tác phẩm thứ tư của nhà thơ bác sĩ, một nhà luân lý đạo đức (rất hiếm có trong thời đại đảo điên này) mà cũng là một nhà triết lý uyên thâm về đau khổ, tình thương, về hoa mỹ của cuộc đời, tinh hoa của tâm hồn, của con người. HOA TÂM có nhiều đề tài thuộc về tâm thần, về đức tính nhân loại, thốt tự đáy lòng, tự quả tim và linh diệu hoàn toàn đượm màu sắc Thiên Chúa Giáo. Tóm lại, trong thi tập thứ tư này (2002) mà tôi được hân hạnh cho vài cảm tưởng, tôi phải công nhận là những đề tài đã làm điển hình cho thơ Phương Du trong những tác phẩm trước đã được thâm cứu và nâng cao với những tán dương ca á(trong băng Thi Nhạc Hoa Tâm)á:

Con hân hoan ca mừng Thiên Chúa

Con tung hô loan truyền kinh thánh (Ca Mừng Thiên Chúa), và :

Chào mừng Mẹ Maria là Mẹ chúng con ca mừng...

Mẹ Maria nhân từ thường thường xuống thăm con chiên dưới trần... (Chào Mừng Mẹ Maria).

Cũng như trong Thi tập HOA TÂM và cùng theo một ý niệm :

... Mẹ thường hiện xuống gian trần

Mẹ răn Mẹ dạy bảo ban soi đường

Mẹ khuyên hướng tới Thiên Vương

Ăn năn cầu nguyện theo đường thờ Cha (Mẹ Ơi !)

Cuộc sống tinh khiết trong nguồn tin tưởng của nhà thơ luôn Cầu nguyện cho hồn được sáng suốt / Đọc kinh để trí khỏi chơi vơi / Xuân về ước vọng tình thương đến / Nhân loại an vui hưởng cuộc đời (Ước Vọng Ngày Xuân), phải chăng ta có thể bạo dạn so sánh với Thánh Thomas dõAquin (1228-1274) mà người đương thời gọi là "Tiến sĩ Tinh Khiết như Thiên Thần" (Docteur Angélique) ?

Lẽ dĩ nhiên là tình bạn chiếm giữ một phần lớn trong đời nhà thi nhạc sĩ Phương Du, "Sau Khi Thăm Bạn", cảm thấy thời gian chóng qua, và nhìn chung quanh bạn hữu ai ai cũng gần đất xa trời ... :

Ngẫm cảnh con người vượt bể dâu

Càng già càng gặp lắm niềm đau

Tuần qua ta thấy nơi bè bạn

Ai cũng buồn vương một mối sầu

Tết năm 1998 là dịp cho đồng bào hải ngoại chúc mừng nhau trong hân hoan năm mới, thế mà trong “Cảm nghĩ xuân Đinh Sửu”, nhà thơ muốn dành trước hết tâm tư của mình cho những người bạn văn nghệ sĩ vừa vĩnh viễn ra đi:

Bính Tí năm qua hội tiếc than

Đoàn Nhân, Phan Nghiệp với Bằng Vân

Bỗng dưng ba vị đều lần lượt

Quẳng gánh đường thi trả thế gian

Bài "Khóc Bằng Vân" (tức thi sĩ Trần Văn Bảng) phải chăng là một bài họa rất đẹp của Phương Du cho thơ "xướng" Hồ Xuân Hương lúc bà than "Khóc Vĩnh Tường Tri Phủ" (Trăm năm ông Phủ Vĩnh Tường ơi ! Cái nợ ba sinh đã trả rồi, Chôn chặt văn chương ba thước đất, Tung hê hồ thỉ bố phương trời...) ? :

Trăm năm ngông si Bằng Vân ơi

Cái "nợ tình thơ" đã hết rồi

Sách vở, bút nghiên, đành xếp xó

Vịnh ngâm, xướng họa, hóa buông rơi...

Từ tình bạn đến tình nghĩa vợ chồng, 10 năm trước Lễ Kim Hôn (Noces dõOr), và nhân ngày kỷ niệm lễ cưới bốn mươi năm, tác giả HOA TÂM đã những âm tiết đượm tình man mác để diễn tả lòng biết ơn của mình đối với người bạn đời yêu quí :

Bốn chục năm vàng sống cạnh nhau

Tao khang tình nghĩa đẹp muôn màu

Dù cho vất vả đời lưu lạc

Sớm tối không quên phút nguyện cầu

..............

Bể khổ trầm luân, kiếp thế nhân

Sóng to gió cả, lắm gian truân

Cùng nhau chung sức chèo cho vững

Đức Mẹ dìu ta thoát bụi trần (Bốn Chục Năm Vàng)

Nhờ ơn Thiên Chúa và Mẹ Maria : "Trải bao nghịch cảnh đời dâu bể, Tình nghĩa tao khang vẫn vững bền" (Tao Khang Tình Nghĩa) mặc dầu “Bạn hữu thân thương dần khuất núi, Đâu người tri kỷ những ngày đông ?” (Tuổi Già).

Về quan điểm chính trị, nhà thơ Phương Du không đặt lòng tin tưởng mình trong những lời hứa hão của nhà cầm quyềná:

Lãnh tụ thời nay rất ít người

Hy sinh cho nước được xanh tươi

Gây bè gây phái tranh giành ghế

Lập đảng lập phe cướp đoạt ngôi... (Lãnh Tụ ThờI Nay). Cũng như ông đã mượn “Lời Khổng Tử” (để nhấn mạnh vào ý thức này) khi ngài gặp một bà quả phụ đang thở than vì chồng bị hổ vồ ăn, bèn khuyên nên xa lánh vùng nguy hiểm :

Bà quả phụ tức thì đáp lại

Sống chốn này tai hại ít hơn

Vì không chính sách bạo tàn

Và không hà khắc vò tan nhân quyền

Ngụ ý của chuyện là : "Ở đời dân thích tránh xa, Chính quyền hà khắc hơn là cọp beo" ! Trái lại, đối với những nhân vật đã hy sinh, cổ võ cho thế giới hòa bình, cho hạnh phúc và tự do nhân loại, nhà thơ Phương Du diễn tả lòng kính trọng và mến cảm, trong 3 thi tập đầu với những bài : "Anh Hùng Sakharov" (Vốn yêu chuộng công bình bác ái, Thấy nhân quyền cộng phái không tôn, Tâm tư ông trở nên buồn, Tài cao ngưng lại để hồn tịnh thanh... THA HƯƠNG, tr. 106), “Giải Thưởng Nobel” của Đức Đạt Lai [Dalaĩ-Lama] (Ngài thường kêu gọi thiết tha, Thần dân chớ có theo đà chiến tranh... TÌNH THƯƠNG 1, tr. 72), "Bác sĩ Nguyễn Đan Quế" (Trong ngành y sĩ quốc gia, Nhiều người chống cộng với đà hăng say, Họ không sợ cảnh tù đày, Hiên ngang chống lại với bầy bất lương... TÌNH THƯƠNG 2, tr. 8), vân vân. Lời thơ ông rất bình dị, sáng suốt, cao thượng ngay trong những vần tố cáo mạnh mẽ một chế độ không tôn trọng nhân quyền và dân quyền, bởi vì ông luôn giữ vững niềm tin trong một ngày mai tươi sáng :

Bao giờ họa cộng không còn nữa,

Non nước Rồng Tiên sẽ chuyển mình (Sẽ Chuyển Mình, TÌNH THƯƠNG 2, tr. 9)

Bởi vì trong HOA TÂM cũng như trong 3 tác phẩm đã nói trên (luôn trung thành với tình yêu gia đình, đất nước, quê hương), Phương Du về mặt tâm linh muốn nâng cao tình yêu này lên tột đỉnh nghĩa là cho xứng đáng tình yêu nhân loại của Thiên Chúa ("Ta là đường, là ánh sáng, là sự thật" : Je suis le chemin, la lumière et la vérité):

Thế gian lắm kẻ u minh

Kiêu căng, ích kỷ, không tình yêu thương

Tình thương đừng có coi thường

Nó là ánh sáng soi đường thế nhân

Thương ngườI như thể thương thân

Là điều ta muốn người trần tuân theo (Em Bé Mù)

Để chấm dứt, tôi muốn trở lại đề tài tâm linh mà khuôn mẫu là bài "Sự Đau Khổ" vì bài này là cái chìa khóa đưa ta đến một giải pháp nằm trong tin tưởng và hy vọng :

Gặp đau khổ ta cần chịu đựng

Theo Thánh hiền nên vững lòng tin

Ta hèn nên phải cầu xin

Trời cao ban phúc giữ gìn hồn Ta

Với Thánh Đạo và qua bốn thi tập đượm tình thương và đạo đức luân lý của tâm hồn, bác sĩ Phương Du Nguyễn Bá Hậu - như tôi đã nói về giọng hát tuyệt vời của nữ danh ca Huyền Châu ở Montréal - là một nhà thơ đã mang hạnh phúc cho đời và tình thương cho người...

Lê Mộng Nguyên (Paris)

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002