Đại Chúng số 100 - Ngày 16 tháng 6 năm 2002

Duramax

BÀI CA SIÊU THOÁT

Nguyễn Thùy

Trước đây, Nguyễn Du cảm nhận cảnh phù du tại thế, xót xa bao cái chết thảm thương dù bất cứ lý do nào, đã viết nên thiên trường thiên ‘Văn tế Thập loại chúng sinh’. Bài thơ biểu lộ lòng nhân đạo của nhà thơ (cũng là nhà tư tưởng), không phải bi quan trước cái chết mà xót thương cho thân phận con người dù cuộc sống gặp toàn bất hạnh hay đã từng thời nên danh nên phận. Nguyễn Du đã mượn ‘lẽ giải thoát’ của nhà Phật, theo cách hiểu phồ thông của thời đại, cầu mong mọi kẻ đã chết, dù thuộc thành phần nào (thập loại) được siêu thăng, tịnh độ, được yên nghỉ nơi an lạc thường hằng.

Thời Nguyễn Du, trước cảnh thế tao loạn của Việt Nam, đau khổ đã nhiều. Nhưng, những đau khồ đó còn giới hạn nơi một địa bàn nhỏ hẹp (Việt Nam) hoặc có xa hơn đến những vùng ngoài Việt Nam thì thời đại vẫn còn giới hạn vì lịch sử nhân loại đang ở vào trạng thái nông nghiệp, thủ công. Ngày nay, xã hội ‘công nghiệp hoá’, ‘thương mãi hoá’ trên qui mô lớn rộng, cái chết (ngoài những trường hợp thường hằng xày ra) cũng mặc lấy những kích thước mới.

Cái chết nhấp nháy cùa mấy trăm ngàn dân Nhật vì hai quả bom nguyên tử; cái chết của sáu triệu người Do Thái trong những lò thiêu Ðức Quốc Xã; cái chết tập thề vì chiến tranh hay vì nạn đói cùng tai nạn thiên nhiên liên miên xảy ra; cái chết bi thảm trong những cuộc đấu tố giai cấp tại các nước Cộng Sản; cái chết đau thương của trăm ngàn người Việt Nam vượt biền bị hải tặc hãm hiếp, sát hại hay làm mồi cho cá biển; cái chết mõi mòn trong các trại tập trung ở Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam Cộng sản; cái chết vô cớ vô can của hàng triệu người bỡi bàn tay của chế độ Pôn-Pốt; kể cả ‘những cái sống như chết’ trong những chế độ độc tài; những cái chết vì tai nạn xe cộ, tàu thủy, máy bay càng lúc càng gia tăng; cái chết lẻ tẻ vì bị hãm hiếp, giết hại do đạo đức suy đồi, do xã hội bất an thường hằng diễn ra mà con số tổng kết cũng lớn lao vô cùng. Hiện nay, đã vào Thiên niên kỷ III, cái chết thảm khốc của hàng loạt người vẫn liên tiếp diễn ra tại nhiều nơi trên thế giới cùng những thủ đoạn khủng bố rùng rợn (như tại Hoa Kỳ ngày 11 tháng 9/2001), những loại vũ khí khủng khiếp, những phương thế chiến tranh tân kỳ càng lúc càng đe dọa mạng sống sinh linh khắp mặt địa cầu. Phải chăng ‘bản chất con ngườI là gian ác, bạo tàn’.

Thời đại Nguyễn Du chưa xảy ra những ‘cái chết’ đó. Nó cũng không có những chúng sinh bị đọa đày vì những ma nghiệt mới của thời đại sau ông. Hơn nữa, trong thời đại nầy, không chỉ có những chúng sinh bị đọa đày mà ngay cả những kẻ gây ra đọa đày cho trăm họ cũng đang ‘chết treo’ trong những chủ trương, chính sách của họ. Lịch sử hầu như đang tiến hành ‘cuộc phán xét cuối cùng’ suốt dọc dài sinh hóa trước nay của chủng loại người : Nghị viện Pháp đã lên án vụ Thổ Nhĩ Kỳ ‘diệt chủng’ dân Ukraine cách đây những trên 80 năm; chính người Pháp cũng tự lên án mình đã sát hại tàn bạo người Algérie trước đây; Giáo Hội Thiên Chúa giáo cũng nhìn nhận mọi bạo ngược của các triều đại Giáo Hoàng trước và đã xin lỗi loài người ; bao nhiêu tên độc tài khát máu như Pinochet, Milesovic, …bị đưa ra Pháp đình quốc tế,…Nay mai, có thể hàng loạt hàng loạt bạo chúa, quỉ vương, hàng loạt quốc gia (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Trung Hoa, Việt Nam, Do Thái, Ả Rập,…) với những chủ trương, chính sách thâm độc tàn sát sinh linh cũng sẽ được đưa ra phán xét, lên án. Cùng với những chủ trương xét lại lịch sử đó, các tổ chức từ thiện, nhân đạo ngày càng thêm nhiều; các phong trào đòi hỏi Dân chủ, Tự do, Nhân quyền, Nhân phẩm, bảo vệ môi sinh,…càng lúc càng phát triển. Liệu các sự kiện nầy có là báo biểu cho giờ ‘tĩnh thức’ của con người, của cả chủng loại người để lương tri thay tà ý, trí tuệ thay trí khôn, tình thương thay thù hận, hòa bình thay chiến tranh, tự do thay nô lệ, dân chủ thay độc tài, công bình thay áp bức, hổ tương thay cho chiếm hữu?

Lịch sử nhân loại đang tiến đến thời kỳ mà các thành tựu qui mô về mọi mặt cũng như mọi tàn phá, gảy đổ gây ra cho nhau hàng thiên niên kỷ sẽ đưa nhân loại vào một khủng hoảng lớn rộng và đều khắp nhân quần để từ đó bừng tĩnh xoay chiều tư tưởng sao cho Văn minh và Văn hóa, Tiến bộ và Tiến hóa luôn luôn kết hợp, đồng hành thuận hảo. Nhân loại đang đối diện với một ‘xung kích của tương lai’, một ‘xung kích của các nền văn minh’, thế giới đang trên đà ‘toàn cầu hóa’và ‘chống toàn cầu hóa’, phải chăng đang bước vào thời diểm của cơn "quặn thắt cuối cùng" để " sinh thành" trở lại?

Trong cái nhìn đó, theo chân Nguyễn Du, ‘Bài Ca Siêu thoát’ gọi tất cả mọi ‘Hồn sống’ và ‘Hồn chết’ cùng ‘Sống lại để cùng xây dựng ‘kỷ nguyên mới cho loài người’. Thời gian trôi qua, lịch sử có già nhưng người trẻ lại (ngườI nơi đây chỉ chung nhân loại). ‘Sống lại’ hay ‘Lai sinh’ (nơi câu cuối bài thơ) không là từng người sống lại mà cả nhân loại hồi sinh để làm nên trang sử mới cho chủng loại mình như lời Phật ‘Hồi đầu thị ngạn’ (quay đầu thấy bến) và lời Jésus: ‘Ta làm mới lại tất cả’. (Không thể kể hết được mọi cái chết, người viết xin mượn địa bàn Việt Nam làm bối cảnh cho thời đại).

N.T.

BÀI CA SIÊU THOÁT (1)

Thuở trời đất mưa sầu gió thảm

Cõi nhân hoàn quỷ ám ma trêu

Nước non từng trận tiêu điều

Ngày phơi xác rũ, đêm treo hồn tàn!

Ta từng phút chứng nhân lịch sử (2)

Ta từng giờ tư lự mê cung

Thảm thương trời đất vô cùng

Thánh nhân lệ nhỏ, anh hùng lụy sa!

Ta xin nhập vào ma vào quỷ

Ta xin làm gió dị mưa điên

Mười phương tám hướng diện tiền

Dẫn từng sông máu lại miền nguyên sơ

Ta xin đứng nơi bờ vực thẳm

Ta xin trèo lởm chởm dốc cao

Cười trên nghìn cuộc bể dâu

Ðạp tan thành quách, xóa màu tang thương.

Thơ ta đấy chập chùng máu lệ

Thơ ta đây dâu bể trùng trùng

Nghìn muôn vạn kiếp lao lung

‘Bài ca chung cục’, hội mừng tiễn đưa. (3)

Sầu một phút dây dưa vạn kỷ

Vui một giờ hoan hỷ bao thu ?

Từ bi độ giải oán thù

Nẻo về bến giác, ta ru lời thiền !

Ðêm thanh vắng giờ thiêng cầu nguyện

Khắp mọi miền khí quyển sương sa

Khói hương ngút cõi ta bà

Vang vang thập điện tâm ca gọi hồn !

Hồn hỡi hồn !

‘Nào đâu chốn cô đơn hồn ngự

Nào đâu nơi lữ thứ hồn đi

Phóng tâm ta đón hồn về’ (4)

Chia nhau cơn nấc, tiếng thề quặn đau !

Hồn hỡi hồn !

Hồn có sống đêm thâu ngày héo

Hồn có hờn lạnh lẽo dung nhan

Nhạt nhòe sông núi quan san

Võ vàng nhật nguyệt điệu tàn ố phơi ?!

Hồn có thấy chơi vơi vạn cõi

Hồn có nghe vòi vọi ngàn khơi

Bập bùng đỏ lửa nơi nơi

Tiếng gào quỷ dị, giọng cười cuồng điên ?

Bày tiệc máu say liên hoan hận

Dựng cờ xương dàn trận mê cung

Mười phương tám hướng mịt mùng

Giăng giăng màu đổ, trùng trùng mưa tuôn

Ðiệu kèn quỷ gieo buông thảm họa

Giọng đàn ma xô ngã giang san

Huyết kỳ ngờm ngợp màu tang

Lời hô phù thủy ngút ngàn bủa giăng

Trời sắc xám trùng quang lạnh giá

Ðất ố màu cỏ đá hoang liêu

Ngẩn ngơ từng sớm từng chiều

Ngày phơi trủng tối, đêm dìu bóng ma!

Hồn có nhập cuồng ca dị dị

Hồn có say luân vũ man man

Ðời vào hiu hắt gió sương

Người vào thiêm thiếp đoạn trường héo hon!

Tay ma chủ ngón buông ngón bắt

Cửa ma cung cánh chặt cánh lơi

Hỗn mang lịch sử bời bời

Hôn mê truyền thống rụng rời lá xanh!

Thuyền lạc nẻo quê hương vời vợi

Người lạc hồn bến đợi mù tăm

Mỗi người một đoạn trường nhân

Chúng sinh một lũ âm binh vọng hồn!

Hồn hỡI hồn!

‘Nào đâu chốn cô đơn hồn ngự

Nào đâu nơi lữ thứ hồn đi

Phóng tâm ta đón hồn về (4)

Chắt chiu từng giọt đầu tê cúi đầu!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy đèo sâu ải hạng

Hồn có nghe gió loạn đầu non

Trời Tây những tịch dương mòn

Trời Ðông những nguyệt thu rằm ma trơi?

Tiếng nức nở khóc đời huyễn hóa

Giọng ai bi than quả vô thường

Sè sè từng nấm mồ hoang

Thân phơi hang rú, xác mòn đường truông

Ngày ngắt ngoải nắng sương quằn quại

Ðêm ôm hờn ngút cõi âm ty

Thẫn thờ dẫn bóng ma đi

Chân không bám đất, hồn ly biệt hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy thân mòn quạnh quẽ

Hồn có nghe lạnh ghẽ xa xương

Bồi hồi giọng dế kêu sương

Não nùng tiếng cú điểm trường đọan canh?

Lời vật vã nhân tình đòi đoạn

Tiếng thở than lận đận phù sinh

Sớm ra nhòe nhoẹt bóng hình

Chiều tê cúi mặt phận mình hư không

Vùng đất cháy ngày nung lửa quạ

Dặm đường băng đêm tòa u linh

Hồn ma bóng quế rập rình

Bơ vơ đất trích, lênh đênh u hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy gió dồn sóng vỗ

Hồn có nghe thác đổ mưa tuôn

Tóc người quyện bám bèo sông

Thân người tẩm liệm đất bùn nổi trôi?

Tiếng ai oán xô trời đất lệch

Giọng nỉ non ngờ nghệch trăng sao

‘Gẫm thân phù thế mà đau

Bọt trong bể khổ, bèo đầu bến mê’ (5)

Mang thân guộc lối về núi Sọ(6)

Chở hồn đau theo ngỏ ma trơi

Tháng năm dầm dãi kiếp ngườI

Sống mê, chết dở, hồn thoi thóp hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy chập chờn hắc dạ

Hồn có nghe tiếng quạ kêu ma

Hắt hiu hè phố làm nhà

Sớm nương bãi chợ, tối nhờ gầm xe?

Tiếng thổn thức máu se lệ máu

Giọng nghẹn ngào da cóng xương da

Lang thang một kiếp không nhà

Chiêm bao lãng đãng trông giờ hoá thân!

Não nhân thế điều ân tiếng oán

Ðau nhân tình giọt đắng lời cay

Ngày qua rồi lại qua ngày

Hư không cào cấu chai tay vô hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy thây cồn chất ngất

Hồn có nghe tiếng nấc vào khuya

Dặm phần hun hút sơn khê

Phận trai bèo bọt não nề tha hương?

Tiếng sát phạt mộng cuồng lơ láo

Giọng hờn căm đau đáu ruột gan

Máu nào tô thắm sử vàng

Máu nào liệm chết từng trang sử đời?

Mắt thao láo trông vời cố quận

Lệ ngưng tròng uất hận trao ai?

Não nùng núi thẳm sông dài

Cú khuya gọi vía, quạ mai gọi hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy dập dồn bể quạnh

Hồn có nghe ớn lạnh vào xương

Gió dồi sóng giập loạn cuồng

Tàu ma trải nắng phơi sương hãi hùng?

Tiếng cầu nguyện chìm trùng trủng tối

Giọng ai bi chới với màn đêm

Phận người lỡ kiếp ăn xin

Cuộc liều sinh tử nổi chìm phó trao!

Sống thổn thức máu đào quê nội

Chết mơ màng lễ hội chiêm bao

Truân chuyên đọ với dãi dầu

Xác trao phận xác, hồn trao phận hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy ngày gom trủng tối

Hồn có nghe đêm trổi thê lương

Phố đầu cho chí cuối thôn

Nát gan tím ruột quặn dồn âu lo?

Lời năn nỉ thấp to van lạy

Giọng trần tình những gãi tai trâu

Sức người, sức của lao đao

Còng lưng đóng trả, trống đầu trơn tay

Thân trâu ngựa vỡ mày vỡ mặt

Phận cùng đinh bụng thắt lưng teo

Ðọa đày nắng cháy sương gieo

Xác còm cõi xác, hồn nheo nhóc hồn!

Hồn hỡi hồn!

Hồn có thấy mưa hờn gió tủi

Hồn có nghe tiếng trối lời than

Rào gai, lũy thép hàng hàng

Ðầu quê cuối chợ ngổn ngang tội đồ?

Thân ‚nô lệ’ (?) nay vồ mai bắt

Phận ‚tôi đòi’ (?) xích thắt xiềng mang

Ngay gian lỗi phải mặc lòng

Ðầu hoa sáu khắc, mắt vàng năm canh!

Thời cú quạ mèo rình chó rúc

Thuở bạo Tần nhung nhúc Khuyển, Ưng

Kiếp đời quốc phá gia vong

Xác bầm máu xác, hồn đông máu hồn!

...........................

Ôi ! Nhân thế dập dồn thảm cảnh

Tử cùng sinh buốt lạnh hình hài

Cuộc cờ xương máu ghê thay

Sống no uất hận, chết dài khổ đau!

Trời se thắt tiếng sầu tiếng thảm

Ðất thê lương giọng oán giọng hờn

Nổi chìm bể hoạn mênh mông

Hôn mê bờ hoặc, cuồng ngông bến đời!

+++++

Hồn hỡi hồn!

Nào đâu chốn cô đơn hồn ngự

Nào đâu nơi lữ thứ hồn đi

Phóng tâm ta đón hồn về’ (4)

Chung câu sám hối, cỡi thề, giải căn!

Hồn hỡi hồn!

Cõi địa phủ quại quằn oan nghiệt

Cuộc thế trần tử biệt sinh ly

Âm Dương đôi ngã phân kỳ

Dày trang máu lệ sử ghi thắm dòng!

Trò quỷ lộng bạo tàn ngược ngạo

Thói ma vương vô đạo vô thường

Mịt mờ đâu lẽ cùng thông

Bờ mê bến hoặc bềnh bồng xa luân!

Lớp gảy đổ tiếp dòng chiến thắng

Lẽ oan cừu đuổi bóng thành công

Rồi ra công cốc công không

Máu phơi đỏ máu, xương chồng trắng xương!

Kiếp người đã thảm thương bèo bọt

Phận người đà não nuột thê lương

Gây chi bao cảnh tai ương

Loạn màu nhân thế, nghẽn đường tồn sinh?

Diệt chiếm hữu, riêng giành chiếm hữu

Phá xiềng gông, dựng lớp xiềng gông

Phũ phàng lòng dạ sói lang

Chửi người, mình lại gian ngoan gấp nghìn!

Giành giải phóng, nắm quyền sinh sát

Tranh tự do, hiếp đáp thêm dày

Tuồng đời dở tĩnh dở say

Miệng lời son phấn, tay cài đòn ma!

Trò ngụy tín ba hoa tròng tréo

Thói giả hình mưu mẹo ganh đua

Cuộc cờ cơ được cơ thua

Mồ xương mã máu, ngón đùa đấu tranh !

Chẳng hiểu lẽ ‘theo vinh liền nhục’

Chẳng học bài ‘trâu húc ruồi tan ‘

Rồi ra đôi nước cờ tàn

Tiếng đời theo tận mồ hoang bãi cồn !

Ôi ! Cảnh thế chập chùng dâu biển

Ôi ! Nhân tuần họa hiểm trao nhau

Trông vời ngã trước đường sau

Máu xương vô định đã cao bằng đầu’! (7)

Sẵn đây gọi hồn đau vạn kỷ

Muôn kiếp sầu vạn lý pha phôi

Về đây chung một kiếp người

Về đây chung một trận cười giải oan….

Cõi nhân thế bi hoan phận cỏ

Chốn dạ đài nức nở u linh

Thương thay thập loại chúng sinh

Sống oan, thác uổng, nhục vinh cũng là…

Ðường lịch sử thiên ma bách chiết

Cuộc phong trần bi thiết ghê thay

Căn cơ nghiệp chướng còn đầy

Nhân qua quả lại trả vay nợ đời

Thân ngũ uẩn đất trời khôn biết

Cuộc phù sinh quặn siết tân toan

Ðược, thua một lẽ đôi đường

Sống khô thân thế, chết mòn thế thân !

Giàu sang đó, cơ hàn mấy lúc

Anh hùng kia, ô nhục mấy hồi !

Sòng đời thay bậc đổi ngôi

Ham chi chuốc lấy tiếng cười thị phi ?

Ngẫm sự thế đường đi ngã đến

Quẩn cùng quanh một tiếng tranh ăn

Chữ quyền, chữ lợi bon chen

Chữ danh, chữ sắc, phận hèn nào hay !

Thói ‘chiếm hữu’ trò bày lắm cách

Ðưa người vào ngỏ ngách oan khiên

Tự mình chuốc não tạo phiền

Rồi gieo oan nghiệt, đảo điên lên đời !

Lòng dục nọ mắt ngời lửa cháy

Trí hôn mê bùa ngãi hư vinh

Vật vờ trong cảnh u minh

Con thuyền bào ảnh bập bềnh hư không!

Thân ngũ uẩn mắc vòng sinh diệt

Cuộc tồn sinh mải miết mù lòa

Trăm năm tuổi trẻ tuổi già

Sắc, tình, tài, lợi,…bôn ba xích xiềng!

Cõi vĩnh phúc bảo miền ảo ảnh

Tâm Chân Như cho cảnh u mê

Quẩn quanh chẳng một lối về

Thoát duyên trần cấu, giải thề phù sinh!

Xác tạp khí cốt hình ma nghiệp

Hồn phù du đeo kiếp tội đồ

Bốn bề uế khí tanh nhơ

Máu ô miệng máu, thân đờ đẫn thân!

Cảnh địa ngục giữa lòng cõi sống

Gió âm ty lạnh cóng hình hài

Kiếp đời vay trả trả vay

Tham, Sân, Si, Hận,… đọa đày thế gian!

Nói sao hết cuộc trần tội lỗi

Kể sao đan chìm nổi luân trầm

Mượn lời kinh kệ giải oan

Mượn câu Giải thoát, gọi hồn siêu thăng

Lẽ nhân quả bớt phần cay nghiệt

Cuộc đoạn trường bớt thiết thê đau

Chúng sinh thập loại xưa sau

Oan khiên xin giải, hồn mau gọi hồn!

+++++++

Hồn hỡi hồn!

‘Nào đâu chốn cô đơn hồn ngự

Nào đâu nơi lữ thứ hồn đi

Phóng tâm ta đón hồn về’ (4)

Vui câu giải kết lời thề hỗn mang!

Trời với đất ngút ngàn thảm khốc

Tháng với ngày tang tóc thê lương

Tâm nhang một nén mười phương

Ta thiêu mạt thế giải oan, hồn về!

Hồn hỡi hồn!

Mời tất cả hồn mê, hồn tĩnh

Hồn vật vờ vô định vô phương

Hồn phơi mưa lũ gió cuồng

Hồn lìa nẻo thuộc dặm trường quan san

Hồn thập loại sinh oan thác uổng

Hồn mười phương tám hướng Tây Ðông

Hồn Nam, hồn Bắc trùng trùng

Hồn dương cảnh, hồn mấy từng cõi âm

Hồn đơn lẻ âm thầm thân thế

Hồn kết đoàn tập thể mệnh vong

Hồn dù nên tội nên công

Hồn dù thành bại, có không, tay trần

Hồn thất thế sa chân, lỡ bước

Hồn nhục vinh, thua được, nên hư

Hồn đau nhân ảnh hư phù

Hồn hờn vân cẩu bãi mù sông mê

Hồn lãng đãng sơn khê cùng cốc

Hồn nổi trôi bàng bạc trùng dương

Hồn đau thân cát bụi đường

Hồn quằn quại máu hầm vuông hố tròn

Hồn quạnh quẽ tiếng hờn nức nở

Hồn tang thương vạn thuở phôi pha

Hồn nằm không chiếu không nhà

Hồn đau khách địa bóng tà nguyệt phơi

Hồn bạc phước nơi nơi địa chấn

Hồn sóng thần táng mạng biển sâu

Hồn bay lạc nẻo tinh cầu

Hồn vùi xa lộ sông sầu cuộc chơi

Hồn ngục tối ngậm lời eo óc

Hồn dạ đài oan khốc khôn nguôi

Về đây, hồn hỡi, hồn ơi !

Chung nhau tiếng khóc, giọng cười…qua trang!

Hồn hỡi hồn!

Ta đón hồn mênh mang vạn nẻo

Ta chờ hồn lẻo đẻo phù sinh

Về đây, hồn hỡi, có linh

Về đây, hồn hỡi, có mình, có ta !

Kiếp gió bụi ta bà thế tục

Phận tồn sinh bến đục bến mê

Hồn ơi, ta gọi hồn về

Sá gì một giấc điên mê hồng trần !

Ðường lịch sử máy vần xoay đổi

Nẻo thế đồ muôn nỗi truân chuyên

Tấm thân bèo bọt chiềng chiềng

Sá gì hư thực, ngửa nghiêng, hỡi hồn !

Hồn hỡi hồn !

Nương cánh khói về đây vồi vội

Theo mùi nhang vào hội bi hoan

Tạ từ thế kỷ chạy quàng

Tạ luân hồi, tạ vô thường cuồng quay

Tạ huyễn mộng, đêm dài ngày ngắn

Tạ trầm luân xác đống thây gò

Tạ máu đổ, tạ xương khô

Tạ từ, nầy những ‘cơ đồ không tên ‘ (8)

Tiếng từ tạ, ngọt mềm nồng mặn

Lời cảm ơn, nghĩa nặng tình sâu

Về đây, hồn hỡi, về mau

Khép trang cuồng sử bể dâu, thương đờI !

Hồn hỡi hồn !

Này đang lúc ngút trời biển lửa

Này đang giờ rộng bủa mê cung

Cuộc liều tối hậu đoạn trường

Cuộc cơn quặn thắt cuối cùng hỗn mang !

Ta sắm sẵn linh trang hồn ngự

Ta giải bày mọi thứ hồn vui

Mời hồn vào cuộc rong chơi

Trườn lên bể máu, tạ đời điêu linh !

Hồn hỡi hồn !

Ta gọi hồn lênh đênh cánh nhạc

Ta mời hồn bát ngát lời thơ

Về đây, hồn hỡi, ta chờ

Ðón dòng Sử lịch nguyên sơ lại mùa. (9)

Hồn hãy đến sớm, trưa, chiều, tối,

Hồn hãy về cũ, mới, nay, xưa

Giải căn bao kiếp sống thừa

Thay dòng sinh tử, đổi mùa tử sinh !

Giờ chuyển hóa ma kinh, quỷ khiếp

Phút hoàn lương liễu kết pha phôi

Về đây, hồn hỡi, hồn ơi !

Ðốt trang hồng lệ, mở lời càn khôn ! (10)

Hồn hỡi hồn !

Ta đón hồn nương muôn cánh khói

Ta cầu hồn khắc khoải lời kinh

Giả từ bao nẻo u minh

Tâm như một tiếng vẹn tình nước non

Cuộc cờ đó’ đã tròn quên, nhớ (11)

Tạ từ đây, giờ mở lời vui

‘Bài ca chung cục’, hồn ơi!

Lễ chào Nguyên khởi, Hội mời Khởi nguyên (12)

Ta với hồn vẹn nguyền tâm niệm

Ta cùng hồn hỏa liệm tâm sai

Lời ca siêu thoát hòa hài

Về đây, hồn hỡi, viết bài "LAI SINH !" .

Nguyễn Thùy

__________________

Chú thích:

l) Bài ca siêu thoát: Bài ca không nhằm siêu độ từng hồn oan mà nhằm giải trừ căn cơ nghiệp chướng, giải trừ cái ‘tâm sai’ ngày qua và bây giờ để được sống trong trạng thái ‘Tính Không’ từ nay và để tạo lập một “Lễ Hội” mới cho nhân loại.

2) Ta: Việt Nam hay Dân tộc Việt Nam

3) Bài ca chung cục: mượn ý một nhà thơ Pháp: le chant final, ý nói bài ca cuối kỷ nguyên, trang đời sau cùng của kỷ nguyên nầy.

4) Ðoạn thơ của Ðinh Hùng trong bài ‘Thần Tụng’ trong tác phẩm ‘Mê Hồn ca’.

5) Hai câu thơ của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều trong ‘Cung oán ngâm khúc’.

6) Núi Sọ: đồi Golgotha, nơi Chúa Jésus bị đóng đinh. Mượn hình ảnh nói lên nỗi đau khổ tột cùng.

7) Câu thơ của Nguyễn Du trong ‘Văn tế thập loại chúng sinh’

8) Cơ đồ không tên: đoạn thơ của Ðinh Hùng trong tác phẫm nói trên.

9) Sử lịch: dòng vận hành của Lẽ Ðạo chi phối dòng Tiến hóa của vạn hữu, theo Phật Giáo là từ ‘Chân không vào Diệu hữu’ để dẫn về ‘Diệu hữu trong Chân không’, nói dễ hiểu, theo tiếng Việt là: ‘từ ‘Không vào Có’ cuối cùng dẫn về ‘Không trong Có’. (Theo tiếng Pháp, có thể dịch là : ‘le Chemin du Tao, le Chemin de l’Être’).

10) Hồng lệ : trang sử máu và nước mắt.

11) Cuộc cờ đó : chỉ chung cuộc sống thế gian lâu nay cùng những món nợ đối với mình, với người, với gia đình,xã hội, với đất nước, non sông, lịch sử.

12) Lễ Hội : mượn ý Nguyễn Du trong ‘Ðoạn trường tân thanh’ : « Lễ là tảo mộ, Hội là đạp thanh » . Có Lễ là có Hội và ngược lại. Hội nhờ Lễ mà có ý nghĩa ; Lễ nhờ Hội mà được bảo tồn. Trong bài thơ : Lễ và Hội là để từ tạ Kỷ nguyên qua và chào đón Kỷ nguyên mới. ‘Nguyên khởi, Khởi nguyên’ : le Commencement, mượn ý Khổng Minh : ‘Thủy hữu đầu, chung hữu thủy’ và ý M. Heidegger : l’autre Commencement.

         


 

Copyright (c) DaiChung News Media 2002